"Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón để đóng góp đáng kể vào việc khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mang động cơ chính trị", Điện Kremlin hôm 26/5 ra tuyên bố sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Italy Mario Draghi.
Tổng thống Nga cũng đề cập về những động thái nhằm đảm bảo an toàn hàng hải, trong đó có mở các hành lang nhân đạo cho tàu dân sự ra khỏi các cảng ở Biển Azov và Biển Đen. Nga cho rằng phía Ukraine cản trở các chuyến tàu này, thêm rằng cáo buộc Nga là nguyên nhân gây ra các vấn đề với nguồn cung lương thực cho thị trường toàn cầu là "vô căn cứ".
Thủ tướng Italy Draghi cho biết ông điện đàm với Tổng thống Putin nhằm tìm cách giải phóng khoảng 20 triệu tấn lúa mì đang nằm trong các kho ở Ukraine do Biển Đen bị phong tỏa khiến các tàu chở lương thực không thể ra vào.
Hạm đội Biển Đen của Nga được cho là đã rải thủy lôi và triển khai nhiều tàu chiến phong tỏa cảng biển Ukraine. Kiev cũng bị cáo buộc rải nhiều thủy lôi ở khu vực để ngăn tàu chiến Nga tiếp cận, khiến khoảng 80 tàu hàng mắc kẹt tại cảng Odessa.
Ông Draghi đề nghị Nga và Ukraine cùng hợp tác để mở cửa các cảng ở Biển Đen. Thủ tướng Italy nhận định Nga sẵn sàng hợp tác theo hướng này và ông sẽ tiếp tục trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để xem phía Kiev có thái độ tương tự hay không. Tuy nhiên, ông Draghi cho hay sau cuộc trao đổi, ông không nhìn thấy triển vọng hòa bình cho xung đột Ukraine.
Phía Mỹ đã lập tức bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga, cáo buộc Moskva đang "vũ khí hóa lương thực và các hỗ trợ kinh tế".
"Chính phủ Mỹ đang thảo luận với các đối tác quốc tế và đồng minh về cách thức xử lý tốt nhất cho vấn đề này", người phát ngôn Lầu Năm Góc Jihn Kirby cho biết.
Các cảng ở Biển Đen của Ukraine, đặc biệt là cảng Odessa, đã bị phong tỏa kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, khiến ngũ cốc ở nước này không thể xuất khẩu ra thế giới. Nga và Ukraine sản xuất 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. Liên Hợp Quốc cảnh báo việc thiếu lượng ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng Ukraine có thể gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu trong vài tháng tới.
Các nước phương Tây đang thảo luận về ý tưởng thiết lập hành lang an toàn cho tàu chở ngũ cốc rời cảng Ukraine, nhưng họ nhấn mạnh bất kỳ hành lang nào như vậy đều cần có sự đồng ý của Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko ngày 25/5 cũng tuyên bố nước này sẵn sàng mở hành lang hàng hải cho tàu chở ngũ cốc, với điều kiện phương Tây nới trừng phạt Moskva.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ các nước phương Tây. RT cho biết Nga chịu khoảng 10.000 hạn chế, khiến nước này thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Ngọc Ánh (Theo AFP)