Dự thảo thỏa thuận hòa bình mang tên "Hiệp ước về Quy chế Trung lập vĩnh viễn và Bảo đảm an ninh của Ukraine" được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong cuộc gặp với các lãnh đạo châu Phi tại thành phố Saint Petersburg hôm 17/6.
Tổng thống Putin cho biết trưởng phái đoàn Ukraine đề xuất xây dựng dự thảo trong cuộc gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2022 , phần nội dung được soạn và bổ sung trong những cuộc họp của quan chức hai nước sau đó. Đây là lần đầu tiên nội dung dự thảo được tiết lộ kể từ khi đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine bị đình trệ.
Dự thảo có 18 điều khoản, đề cập tới tình trạng trung lập và quy mô lực lượng vũ trang Ukraine, cũng như các bảo đảm an ninh cho nước này khi xung đột kết thúc. Theo đó, Ukraine cam kết đưa trạng thái "trung lập vĩnh viễn" vào hiến pháp, trong khi Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus sẽ là những quốc gia bảo đảm an ninh cho nước này.
Nga đề xuất Ukraine duy trì lực lượng vũ trang thường trực gồm 85.000 binh sĩ chính quy và 15.000 lính vệ binh quốc gia, cùng 324 xe tăng, 1.029 xe thiết giáp, 96 hệ thống pháo phản lực, 50 chiến đấu cơ và 52 máy bay phụ trợ. Trong khi đó, Kiev muốn sở hữu quân đội gồm 250.000 người, 800 xe tăng, 2.400 xe thiết giáp, 600 pháo phản lực, 74 chiến đấu cơ và 86 máy bay phụ trợ.
Giới hạn các hệ thống tên lửa phòng không, pháo cối và vũ khí chống tăng cũng được đề cập trong thỏa thuận.
"Mọi thứ đều được đề cập. Trưởng đoàn Ukraine còn ký nháy vào dự thảo, chữ ký của ông ấy ở đây. Sau khi chúng tôi rút quân khỏi khu vực Kiev như cam kết, chính quyền Ukraine đã ném dự thảo vào sọt rác. Họ từ bỏ tất cả", Tổng thống Nga cho hay.
Ông Putin cho rằng hành động của Kiev gây mất lòng tin vào những thỏa thuận trong tương lai, nhưng khẳng định Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine.
Đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev đình trệ hoàn toàn hồi tháng 4/2022, không lâu sau khi giới chức Ukraine cáo buộc binh sĩ Nga "thảm sát dân thường" ở thành phố Bucha gần thủ đô Kiev. Moskva cho rằng những hình ảnh về các thi thể là "dàn dựng", cáo buộc Kiev đứng sau các hành động khiêu khích "thô bỉ và bất chấp đạo lý" ở khu vực này.
Trước khi đến Nga, phái đoàn châu Phi gồm tổng thống 4 nước Nam Phi, Zambia, Comoros, Senegal cùng đại diện của lãnh đạo Cộng hòa Congo, Ai Cập và Uganda đã thăm Ukraine hôm 16/6 trong trong nỗ lực hòa giải xung đột.
"Theo quan điểm của chúng tôi, việc lắng nghe cẩn thận điều hai nước muốn nói là rất quan trọng. Sau đó, đại diện 7 nước châu Phi sẽ tóm tắt nội dung chuyến đi và thực sự hài lòng nếu họ tiếp tục trao đổi với chúng tôi", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại Kiev.
Vũ Anh (Theo RIA Novosti, Reuters)