Thông báo về quyết định gia hạn sắc lệnh hạn chế xuất nhập khẩu của Tổng thống Vladimir Putin được công bố trên trang web của chính phủ Nga hôm nay. Theo đó, hiệu lực của sắc lệnh sẽ được kéo dài tới ngày 31/12/2025, thay vì ngày 31/12/2023.
Sắc lệnh hạn chế nhập khẩu một số hàng hóa theo danh sách được chính phủ phê duyệt, như thiết bị y tế và viễn thông, xe cơ giới, máy móc nông nghiệp và thiết bị điện. Nga cũng hạn chế xuất khẩu một số loại gỗ xẻ, phân bón, nguyên liệu hóa học, ngũ cốc cùng các mặt hàng khác.
Tổng thống Putin ký ban hành sắc lệnh hạn chế vào ngày 8/3/2022 nhằm đảm bảo an ninh Nga trước các lệnh trừng phạt phương Tây và ban đầu dự kiến có hiệu lực đến hết ngày 31/12 năm đó. Tuy nhiên, sắc lệnh đã được gia hạn đến hết 2023, trước khi được thông báo kéo dài thêm hai năm nữa.
Nhằm thực hiện lệnh hạn chế của Tổng thống Putin, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 31/5 ký lệnh cấm xuất khẩu tạm thời một số loại đạn và vỏ đạn.
Sau khi xung đột Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, Mỹ và đồng minh áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga để đáp trả. Các nước G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia tháng 12/2022 áp giá trần với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng.
Truyền thông và nhiều quan chức phương Tây từng dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ dưới áp lực trừng phạt và gánh nặng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều người sau đó thừa nhận Nga đã tìm cách ứng phó thách thức từ lệnh trừng phạt và nền kinh tế nước này "không sụp đổ như phương Tây kỳ vọng".
Mỹ ngày 20/7 liệt hơn 120 công ty Nga và một số công ty Kyrgyzstan vào danh sách trừng phạt với cáo buộc liên quan tới chiến sự Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ nói các biện pháp trừng phạt mới nhằm tiếp tục bóp nghẹt khả năng tiếp cận nguyên liệu thô, vật liệu sản xuất quan trọng cũng như tài chính của Nga.
Thanh Tâm (Theo TASS)