Phát biểu tại đại hội các nhà khoa học trẻ ở vùng Krasnodar hôm 29/11, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng các nước châu Âu đã tự quay lưng với nguồn năng lượng giá rẻ, hoặc nghe theo lời Mỹ cắt nguồn năng lượng từ Nga vì "lý do chính trị".
Theo ông, an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã bị ảnh hưởng khi Ba Lan và Ukraine cắt nguồn cung khí đốt Nga qua lãnh thổ của họ và các đường ống Nord Stream bị phá hoại.
"Chính quyền Ukraine nhận tiền từ châu Âu, trong đó có Đức, nhưng Kiev đã cắt nguồn khí đốt từ Nga mà Đức rất cần", Tổng thống Nga cho hay. "Và người Đức phải ngậm đắng nuốt cay, vì họ thiếu quyền tự chủ".
Ông Putin cũng cho rằng một số quan chức cấp cao của chính phủ Đức "dường như thiếu kỹ năng để đưa ra những quyết định hợp lý, chuyên nghiệp". "Ai cũng biết rõ điều này và cả thế giới cười nhạo họ", Tổng thống Nga nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại đại hội các nhà khoa học trẻ ở vùng Krasnodar hôm 29/11. Ảnh: AFP
Đức hiện chưa phản hồi về bình luận của Tổng thống Nga. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Đức Robert Habeck năm ngoái tuyên bố nước này đã loại bỏ và không bao giờ quay lại mô hình kinh doanh phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ của Nga.
Năm 2021, một năm trước khi xung đột Ukraine bùng phát, 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU đến từ Nga. Con số này đã giảm sau khi chiến sự nổ ra, tuy nhiên Nga vẫn thu về 6,6 tỷ USD từ việc xuất khẩu khí đốt cho EU trong năm nay.
Politico tuần trước đưa tin EU đang hoàn thiện những bước cuối cùng của vòng trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga từ khi chiến sự Ukraine bùng phát. Đứng đầu danh sách biện pháp trừng phạt là lệnh cấm buôn bán kim cương Nga và các biện pháp mới nhằm ngăn chặn hành vi lách trừng phạt.
Tuy nhiên, dự thảo không bao gồm biện pháp mới nào nhằm vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga. Các đề xuất sẽ không ngăn cản việc Nga bán nhiên liệu được tinh chế từ dầu thô trên toàn cầu qua nước thứ ba, cũng như không cản trở các thỏa thuận năng lượng hạt nhân của Moskva.
Những người trong cuộc cho biết cũng không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạ mức trần dầu thô 60 USD/thùng mà phương Tây áp đặt với dầu thô Nga tháng 12 năm ngoái. Một số nhà đàm phán lo ngại những biện pháp trừng phạt quyết liệt hơn sẽ gây tổn hại quá nhiều cho ngành công nghiệp và người tiêu dùng châu Âu.
Huyền Lê (Theo TASS, RT, Politico)