"Chỉ trên cơ sở hợp tác trung thực và cùng có lợi, chúng ta mới có thể tìm ra cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng vốn đã phát triển trong nền kinh tế toàn cầu do những hành động ích kỷ và thiếu hiểu biết của một số quốc gia", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh 5 nước công nghiệp mới nổi BRICS hôm nay, đề cập các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. BRICS chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP của thế giới.
Theo ông Putin, những quốc gia ông đề cập "đang sử dụng các cơ chế tài chính để chuyển sai lầm của chính họ trong chính sách kinh tế vĩ mô sang toàn bộ thế giới".
"Chúng tôi tin rằng hơn bao giờ hết, sự lãnh đạo của các nước BRICS bây giờ là cần thiết để phát triển lộ trình thống nhất, tích cực, hướng tới hình thành cơ chế đa cực của các mối quan hệ liên chính phủ", Tổng thống Nga cho hay, thêm rằng BRICS "có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đang nỗ lực theo đuổi chính sách độc lập".
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS hôm 22/6, ông Putin cho biết Nga đang chuyển dòng chảy thương mại sang "các đối tác quốc tế đáng tin cậy" như những quốc gia thành viên BRICS. Theo ông, thương mại giữa Nga và các nước BRICS đã tăng 38% và đạt 45 tỷ USD trong ba tháng đầu năm.
Tổng thống Nga đồng thời cáo buộc phương Tây bỏ qua "các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường" như thương mại tự do. "Điều đó làm suy yếu lợi ích kinh doanh trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mọi người, của tất cả quốc gia", ông cho hay.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS, do Bắc Kinh đăng cai, là diễn đàn quốc tế đầu tiên ông Putin tham gia với lãnh đạo các nền kinh tế lớn khác từ khi ông phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Ba nước thành viên BRICS là Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đã bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga và mua lượng lớn dầu, khí đốt từ nước này.
Nga và Trung Quốc thời gian qua xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định mối quan hệ song phương "không có giới hạn". Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.
Huyền Lê (Theo AFP)