"Chúng tôi đang tích cực định hướng lại các dòng chảy thương mại và các liên hệ kinh tế đối ngoại của mình hướng tới những đối tác quốc tế đáng tin cậy, chủ yếu là BRICS", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh 5 nước công nghiệp mới nổi BRICS hôm 22/6.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. BRICS chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP của thế giới. Theo ông Putin, thương mại giữa Nga và các nước BRICS đã tăng 38% và đạt 45 tỷ USD trong ba tháng đầu năm.
"Liên hệ giữa giới kinh doanh Nga và cộng đồng doanh nghiệp các nước BRICS đã tăng cường. Chẳng hạn, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để mở chuỗi cửa hàng Ấn Độ ở Nga và để tăng thị phần ôtô, thiết bị, phần cứng của Trung Quốc trên thị trường của chúng tôi", Tổng thống Nga cho hay.
Nga cũng đang tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Nhập khẩu dầu thô từ Nga sang Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5, đưa Nga vượt Arab Saudi trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc.
Ông Putin nói thêm rằng hệ thống tài chính Nga sẵn sàng kết nối với ngân hàng từ 5 quốc gia và Moskva đang tìm những cách mới để giao dịch mà không cần dựa vào các loại tiền tệ như USD hoặc euro.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Nga cũng cáo buộc phương Tây bỏ qua "các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường" như thương mại tự do. "Điều đó làm suy yếu lợi ích kinh doanh trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mọi người, của tất cả quốc gia", ông cho hay.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS, do Bắc Kinh đăng cai, là diễn đàn quốc tế đầu tiên của ông Putin với nguyên thủ các nền kinh tế lớn khác từ khi ông phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Ba nước thành viên BRICS là Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đã bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga và mua lượng lớn dầu, khí đốt từ nước này.
Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với Nga, gọi đây là "con dao hai lưỡi". Ông Tập tuần trước cam kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bắc Kinh sẽ ủng hộ các lợi ích cốt lõi của Moskva về chủ quyền và an ninh. Washington sau đó cảnh báo Bắc Kinh có nguy cơ "chọn về phía sai lầm của lịch sử".
Nga và Trung Quốc thời gian qua xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định mối quan hệ song phương "không có giới hạn". Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.
Huyền Lê (Theo CNN)