Trong bài phát biểu trực tuyến ngày 22/8 tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg, Nam Phi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các thành viên khối BRICS đang phát triển mạnh về mặt kinh tế và đang trở thành những "lãnh đạo kinh tế mới" của thế giới.
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi với 5 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số và 26% GDP toàn cầu.
Tổng thống Nga lưu ý rằng nếu tính theo sức mua tương đương, BRICS, chiếm 31% kinh tế toàn cầu, đã vượt nhóm G7, chiếm 30%. Trong thập kỷ qua, đầu tư hợp tác giữa 5 thành viên tăng gấp 6 lần, tổng đầu tư vào nền kinh tế thế giới của khối tăng gấp đôi, tổng sản lượng xuất khẩu chiếm 20% toàn cầu.
Ông Putin thêm rằng đồng USD đang mất dần vai trò toàn cầu và quá trình đó "không thể đảo ngược". Ông tuyên bố các nước thành viên đang đạt nhiều động lực trong xu thế "phi USD hóa", tìm cách giảm phụ thuộc vào USD trong các giao dịch chung.
Ông Putin cho hay Nga đang tập trung phát triển các tuyến vận tải, hậu cần hướng tới BRICS và "các đối tác nước ngoài đáng tin cậy", nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng, thực phẩm trên thị trường quốc tế không bị gián đoạn.
Các mục tiêu chính của Nga gồm phát triển Tuyến đường Biển Bắc (NSR) và hành lang vận tải Bắc - Nam. NSR đi qua Bắc Băng Dương, có thể giúp lưu thông hàng hóa giữa châu Âu và Viễn Đông nhanh hơn so với tuyến đường qua kênh đào Suez. Hành lang Bắc - Nam kết nối các cảng Nga với Vùng Vịnh và Ấn Độ Dương, lưu thông hàng hóa Á - Âu - Phi.
"BRICS liên tục tăng cường cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, phân bón cho các quốc gia ở Nam toàn cầu, đóng góp tích cực vào an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu", Tổng thống Putin nói. Nam toàn cầu là khái niệm chỉ các quốc gia ở khu vực Mĩ Latinh, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Nam Phi ngày 22-24/8. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Nam Phi dự sự kiện. Đại diện Nga tham gia họp trực tiếp năm nay là Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Tổng thống Putin dự sự kiện theo hình thức trực tuyến. Ngoài các lãnh đạo trong khối, hội nghị cũng có sự tham gia của khoảng 50 lãnh đạo khách mời khác.
Trước đó, Nam Phi đã trong thế tiến thoái lưỡng nan vì ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin hồi tháng 3 với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine. Theo Quy chế Rome, 123 nước thành viên của ICC, trong đó có Nam Phi, có nghĩa vụ bắt lãnh đạo Nga và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông Putin đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Moskva gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này.
Hồi tháng 7, ông Putin nêu lý do không đến Nam Phi, cho biết ông "không nghĩ việc đến dự hội nghị BRICS quan trọng hơn sự hiện diện của tôi ở Nga lúc này".
Đức Trung (Theo RT, TASS)