Ngày 11/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Quy chế trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều địa phương chưa nghiêm túc, thậm chí có địa phương lớn coi thường hoạt động giám sát của Quốc hội.
“Có đoàn do Phó chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn xuống giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng địa phương chỉ cử một Phó chủ tịch cùng vài vị cấp phó làm việc, thể hiện không nghiêm túc. Tôi định tuyên bố phê bình tại chỗ, nhắc nhở ghi vào văn bản, nhưng nghĩ nên giữ thái độ nhẹ nhàng”, ông Hiển nói và cho rằng, cần thiết thì nêu một vài cá nhân trước Quốc hội với tinh thần công khai, rõ ràng.
"Các ông phải tôn trọng giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chứ, là đại diện cho người dân đi giám sát cơ mà", ông Hiển nhấn mạnh.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tâm lý nhiều địa phương là đến thăm thì được, nhưng giám sát kiểm tra lại không thích. Bà Nga cho rằng, đoàn giám sát của Quốc hội đi đến tỉnh thành không nên yêu cầu đón tiếp rườm rà; mỗi đoàn đi chủ động kinh phí ăn ở, không nên làm phiền địa phương.
"Lãnh đạo địa phương bận thì chúng tôi nghĩ rằng không câu nệ phải đón tiếp, phải chào, quan trọng là chất lượng và phương thức làm việc", bà Nga nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, cần ban hành Quy chế trên để đảm bảo công tác giám sát của Quốc hội thực sự có chất lượng, tránh chồng chéo, "không phải kéo một đoàn đi rất đông chẳng mang lại hiệu quả gì".
Bà Ngân đề nghị đại biểu đi giám sát cần đặt mình vào vị trí lãnh đạo địa phương, nếu một năm có 4-5 đoàn giám sát đến thì hết thời gian làm việc. Tuy nhiên, cũng cần nghiêm khắc phê phán địa phương nào có thái độ không nghiêm túc.
“Đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội cùng 2 Bộ trưởng đến làm việc mà địa phương thiếu tôn trọng, chỉ cử một Phó chủ tịch”, bà Ngân nói.
Võ Hải