Chiều 29/7, trong cuộc họp báo kết thúc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nhận được nhiều câu hỏi về sự cố môi trường biển miền Trung và trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh.
Về việc vì sao Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn ông Võ Kim Cự làm thành viên Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của ông này liên quan đến dự án của Formosa Hà Tĩnh, ông Phúc giải thích theo Luật Tổ chức Quốc hội thì đại biểu có quyền đăng ký vào bất kỳ Uỷ ban nào nếu thấy phù hợp. “Ông Cự có bằng Cử nhân tài chính kinh tế, bằng Thạc sĩ về quản trị kinh doanh, nên tham gia vào Uỷ ban Kinh tế là phù hợp và bình thường”, Tổng thư ký Quốc hội nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, việc giám sát môi trường đối với Formosa đã được giao cho Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội. Cuối tháng 7, Uỷ ban Khoa học sẽ cử đoàn vào Hà Tĩnh triển khai công việc, sau đó báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết quả hoạt động giám sát ban đầu.
Qua quá trình giám sát của Uỷ ban Khoa học công nghệ môi trường nếu có phát hiện vấn đề sai phạm về kinh tế, thì đương nhiên Uỷ ban Kinh tế sẽ tham gia giám sát. "Tuy nhiên, chắc chắn ông Võ Kim Cự sẽ không tham gia vào thành phần giám sát của Uỷ ban Kinh tế để đảm bảo tính khách quan, công bằng”, ông Phúc khẳng định.
Báo giới nêu câu hỏi: Việc Quốc hội không giám sát chuyên đề đối với Formosa mà lại giao cho một cơ quan của Quốc hội là Uỷ ban Khoa học thì có coi nhẹ vấn đề không? Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các Uỷ ban Quốc hội có đầy đủ chức năng, chuyên môn để kiểm tra, giám sát các vấn đề quan trọng. Việc lựa chọn và giao cho một Uỷ ban của Quốc hội giám sát Formosa đã qua quy trình chặt chẽ.
"Giao cho một Uỷ ban chuyên môn, trong điều kiện hiện nay, là hoàn toàn có thể tin tưởng ở kết quả giám sát chính xác, khách quan. Dựa trên kết quả giám sát của Uỷ ban Khoa học, Quốc hội sẽ xem xét và chỉ đạo cụ thể tiếp theo", Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh không có chuyện Quốc hội xem nhẹ sự cố Formosa.
“Formosa là bài học đắt giá, không thể để các dự án đầu tư nước ngoài sau Formosa tái diễn thảm hoạ ô nhiễm môi trường”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bình luận thêm.
Trong phiên làm việc chiều 27/7, Quốc hội thông qua nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Theo đó, Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016" và " Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016". Bên cạnh đó, Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực tiếp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó có hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, báo cáo kết quả cho Quốc hội.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Ông Võ Kim Cự hiện là Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá 14. Ông Cự từng giữ các cương vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh như Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ,... trong giai đoạn Formosa xin đầu tư và triển khai dự án tại tỉnh này.
Võ Hải