Chiều 20/11, TAND tỉnh Phú Thọ tập trung thẩm vấn ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50).
Sau nửa tiếng thảo luận kín về triệu tập nhân chứng, HĐXX thông báo đã gọi hai cựu cán bộ C50 là ông Hoàng Xuân Phóng (Trưởng phòng 2) và ông Nguyễn Huy Lục (nguyên phó phòng Tham mưu) đối chất với cựu cục trưởng C50. Hai nhân chứng được yêu cầu cam đoan trước tòa về lời khai khách quan, đúng sự thật. Ông Hoá cúi đầu, ngồi ở hàng ghế dành cho bị cáo.
Xin chiếu biên bản lời khai ở cơ quan điều tra do thời gian lâu nên có thể không nhớ, ông Phóng cho hay đã báo cáo miệng với cục trưởng về dấu hiệu tổ chức đánh bạc núp bóng game bài của CNC. Có lần ông Phóng báo cáo bằng văn bản nhưng ông Hoá lại giao cho cục phó. Ông Phóng khẳng định ông Hoá từng nói "CNC là công ty nghiệp vụ" nên chưa cho xác minh.
Đối chất lời khai của nhân chứng này, ông Hoá phủ nhận. Cựu cục trưởng C50 khẳng định Phòng 2 không gửi báo cáo biết CNC liên kết VTC Online để vận hành game đánh bạc. Còn báo cáo miệng, ông nghe từ ông Lục chứ không phải trưởng phòng Phóng.
Được đưa vào toà từ khu vực cách ly để không biết lời khai của hai người trên, ông Lục trình bày đã tự tìm hiểu về game bài sau khi thấy CNC có biểu hiện vận hành game đánh bạc từ việc kinh doanh game đổi thưởng Rikvip. Ông báo cáo nhiều lần từ tháng 3 đến 7/2016, song cựu cục trưởng một mực bảo vệ CNC, nói việc tổ chức game Rikvip không vi phạm pháp luật.
Người đứng đầu C50 còn đọc để cho ông gõ máy tính văn bản báo cáo cấp trên với nội dung sai sự thật rằng game bài Rikvip đã được Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép. Khi ông thắc mắc, sếp Hoá quát "mày thì biết gì".
VKS sau đó trình chiếu biên bản lời khai của ông Lục ở cơ quan điều tra, trong đó có đoạn "anh Hóa nói hai cổng trò chơi này được cấp phép rồi, mày cứ đánh vào, tao ký nháy tao chịu trách nhiệm". Nhìn lên màn hình, ông Hoá cười.
Đối chất với nhân viên cũ, ông Hoá nói giữa năm 2016, thời điểm nhận công văn của Bộ Công an (yêu cầu xác minh dấu hiệu đánh bạc của game bài Rikvip) đã nghe ông Lục báo cáo miệng rằng CNC đang vận hành hai game bài không phép.
Ông Lục lúc này cho hay, từ lâu đã nghe nhiều người nói C50 có công ty nghiệp vụ, song đến khi về làm phòng tham mưu mới biết có quyết định CNC là công ty bình phong.
Khi toà hỏi biết CNC là công ty nghiệp vụ từ lúc nào, ông Phóng nói từ năm 2011-2012.
Thân phận mập mờ của công ty bình phong CNC
Việc CNC có phải là công ty bình phong hay không, gọi là công ty bình phong hay công ty nghiệp vụ của công an, giữa lời khai của các bị cáo còn mâu thuẫn. Lời khai của ông Hóa trong những ngày qua cũng bất nhất.
Trước nhiều câu hỏi của chủ tọa, VKS, luật sư, ông Hoá đều khai phải "miễn cưỡng" lập công ty bình phong. Đây là nhiệm vụ khiến ông loay hoay nhất trong 9 nhiệm vụ C50 được giao trách nhiệm.
Theo gợi ý của một thứ trưởng (đã mất), ông để Nguyễn Văn Dương lập công ty CNC từ năm 2011. Việc này với C50 còn nhiều bỡ ngỡ khi ngành công an không có hướng dẫn về lập công ty nghiệp vụ. Tên gọi là "bình phong" hay "nghiệp vụ" cũng chưa có cuộc hội thảo nào để bàn cho chính xác. Nhưng theo ông, để cho chính xác cần gọi là "công ty nghiệp vụ".
Ông Hoá sai cấp dưới đi tham khảo nhiều đơn vị khác thì biết có nhiều cách để sở hữu công ty nghiệp vụ: tự bỏ tiền ra mở công ty, góp vốn liên kết, đóng góp sản phẩm trí tuệ.
Ban đầu, cựu cục trưởng C50 báo cáo lên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nguyễn Tiến Lực rằng C50 sẽ đóng góp sản phẩm trí tuệ. Nhưng khi đó C50 mới thành lập, nhân lực không có, đến cấp dưới cũng là lính cũ theo ông từ Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng về thì việc đóng góp sản phẩm trí tuệ về lĩnh vực công nghệ cao là điều không thể.
Ông thay đổi sang góp vốn bằng tiền. Vì vậy, khi báo cáo với Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh, ông Hóa nêu phương án góp 20% vốn và cử nhân lực vào quản lý CNC.
Nhưng đề cập đến tiền, vị thứ trưởng và ông Vĩnh đều nói không có nguồn nên C50 đành chỉ ký "bản ghi nhớ" với CNC về việc góp vốn, nhân lực. Theo ông Hóa, bằng bản ghi nhớ này, CNC chưa là công ty nghiệp vụ của C50.
Chủ tọa nói trong các bản tự khai ở cơ quan điều tra sao đều nhận CNC là công ty bình phong? Ông Hoá lập tức phủ nhận: "Tôi khẳng định năm 2011-2015 không bao giờ CNC là công ty bình phong. Chỉ có bản ghi nhớ thì không thể gọi đó là công ty bình phong được".
Chủ tọa công bố lời khai của ông Hóa ở cơ quan điều tra với nội dung năm 2011 CNC đã là công ty bình phong của C50, nhưng đến tháng 5/2015 mới được công nhận bằng quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Trong bản tự khai khác, ông Hóa cũng nói CNC là công ty bình phong của C50, ông còn yêu cầu hàng tháng, quý, năm CNC báo cáo.
Tiếp tục phủ nhận, ông Hóa nói khi bị bắt có thể do mệt mỏi nên "khai không đúng như chứng cứ".
Đối chất việc ông Hóa khai C50 cam kết đóng 20% vốn và con người nhưng sau đó không có nên việc hợp tác không còn giá trị, Dương nói "xin tôn trọng lời trình bày của ông Hóa". Chủ tọa yêu cầu phải trả lời vào câu hỏi, Dương khai không tiện nói "đúng hay không" nên đề nghị HĐXX đối chiếu hồ sơ, có nhiều văn bản thể hiện điều đó.
VKS ngay sau đó dẫn văn bản do C50 ban hành ngày 7/8/2012 gửi C43 (Cục chính trị hậu cần) về việc cho CNC sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám. Văn bản này thể hiện do CNC hợp tác về một số hoạt động nghiệp vụ, C50 đề nghị C43 xem xét đề xuất cho CNC sử dụng trụ sở.
"Nếu CNC không phải là công ty bình phong có được thuê không? Cơ sở pháp luật nào để công ty ngoài thuê trụ sở Bộ Công an?", công tố viên đặt câu hỏi dồn dập. Ông Hóa giải thích do trụ sở quá lớn nên C43 cho C50 thuê một tầng.
Bị cáo Hóa cho rằng nhiều người, nhiều cơ quan có sự nhầm lẫn "chết người" khi cứ rêu rao CNC là công ty bình phong của C50. Trong khi CNC có thực sự là công ty bình phong hay không thì lẽ ra chỉ C50 mới biết.
"Nếu không hợp tác với CNC vậy công văn báo cáo sơ kết hai năm hoạt động CNC gửi đến C50 vào năm 2013, bị cáo biết không?", công tố viên hỏi. Trả lời "có biết", ông Hoá giải thích báo cáo này để phục vụ công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, mà đây là quyền gửi của mọi tổ chức, cá nhân.
Nhờ sếp sắp về hưu hợp thức giấy tờ
Trở lại với vấn đề C50 góp vốn vào CNC, trong những ngày trả lời thẩm vấn, ông Hóa, Vĩnh cùng Nguyễn Văn Dương đều nói C50 không góp vốn hay cử người tham gia vào CNC. Tuy nhiên, vào cuối năm 2011, ông Hóa lại đại diện C50 ký bản ghi nhớ về góp vốn, cử người tham gia và chia lợi nhuận với CNC.
Ông Hóa giải thích cuối 2016 đầu 2017 C50 bị kiểm tra, lúc đó mới biết còn thiếu báo cáo góp vốn vào CNC cần chữ ký của Tổng cục trưởng Vĩnh. Vì vậy, đầu năm 2017 ông phải nhờ ông Vĩnh ký báo cáo không số để hợp thức, dù biết là sai quy trình.
Trong khi đó, chiều 19/11 ông Vĩnh khai nói tháng 4/2017 trước khi thu dọn toàn bộ đồ đạc để về nghỉ chế độ đã được ông Hóa xin ký hợp thức hóa vào văn bản góp vốn 20% vào CNC. "Cứu em vì đang bị thanh tra Tổng cục làm việc về vấn đề này. Người thì rõ là không góp rồi, phần vốn cũng không, xin anh hợp thức hoá", ông Vĩnh nêu lại lời khẩn cầu của cấp dưới khi đó.
Theo ông Vĩnh, nghĩ ông Hoá là người có nhiều đóng góp cho ngành, nể tình đồng chí, đồng đội cùng làm việc 8 năm nên đã ký. Lúc này, ông Vĩnh mới biết C50 không góp vốn cũng không góp người.