Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng". Ngoài ra, trong trường hợp không có cơ sở chứng minh tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được xem là tài sản chung.
Trường hợp này, miếng đất được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của ông bà, dù chỉ đứng tên ông, về nguyên tắc vẫn thuộc sở hữu chung của ông bà. Trong đó: 1/2 tài sản là của ông nội và 1/2 tài sản còn lại của bà nội. Phần tài sản của ông nội do ông có quyền định đoạt, còn phần tài sản của bà nội đã mất phải mở thủ tục thừa kế.
Để mở thủ tục thừa kế trong trường hợp này, về cơ bản cần có các giấy tờ sau đây:
- Giấy báo tử của bà nội;
- Giấy báo tử của ông bà cố (ba mẹ của bà nội);
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất;
- Và các giấy chứng nhận của tất cả tài sản khác thuộc sở hữu của bà nội;
- Giấy chứng nhận kết hôn của ông bà hoặc văn bản có giá trị tương đương;
- Giấy khai sinh của các con ông bà;
- Giấy tờ tùy thân của ông nội và các con của ông bà.
Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định nếu bà nội đã mất không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc những người thừa kế theo di chúc mất trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì phần tài sản của bà nội được chia theo pháp luật, bắt đầu từ hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm vợ/chồng, cha ruột, mẹ ruột, cha nuôi, mẹ nuôi, con ruột, con nuôi.
Trường hợp này, do chỉ còn ông nội và các con của ông bà nội còn sống, nên phần tài sản của bà nội được chia đều cho những người này theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Vì thế, ông nội tặng cho cháu đất trong trường hợp này, vẫn có một phần cần sự đồng ý của các con ông bà.
Thạc sĩ luật Nguyễn Trúc Anh