"Hãy trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Huawei, vượt qua Huawei và thậm chí sử dụng việc đánh bại Huawei làm động lực cho các bạn", ông Nhậm Chính Phi nói trong bữa tiệc chia tay ban lãnh đạo và nhân viên của Honor.
Ông Nhậm cũng cảnh báo Huawei sẽ phải đối mặt với "những vấn đề lớn hơn bất kỳ công ty mới nào khác" và kêu gọi các nhân viên cũ chấp nhận toàn cầu hóa và học hỏi từ các công ty khác ở Mỹ, Anh hay châu Âu nói chung.
"Chúng tôi sẽ là đối thủ cạnh tranh trong tương lai", người đứng đầu Huawei nói. Thương vụ bán Honor là việc "cực chẳng đã" của hãng điện thoại Trung Quốc sau khi các lệnh cấm của Mỹ ngày càng được siết chặt. Thoái vốn hoàn toàn và không còn liên quan đến Huawei sẽ giúp Honor được tự do phát triển hơn.
CEO Huawei nói quyết định bán Honor thực sự khó khăn với ông và công ty. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ đã đe dọa hàng triệu việc làm cũng như nguồn cung cấp sản phẩm cho các đại lý của Huawei ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. "Chúng ta không thể kéo những người vô tội xuống vì vấn đề của chính chúng ta. Sau khi bán, Honor sẽ nhanh chóng tiếp tục sản xuất dưới sự quản lý của Zhixin để giải quyết các vấn đề về nguồn cung", ông nói.
Thương hiệu điện thoại giá rẻ Honor được Zhixin New Information Technology - liên minh bao gồm China Digital và chính quyền thành phố Thâm Quyến mua lại với giá 15,2 tỷ USD. Huawei sẽ nhận hoàn toàn bằng tiền mặt và bàn giao lại cho bên mua các tài sản liên quan đến Honor, gồm bản quyền thương hiệu, bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) cũng như chuỗi cung ứng. Thương vụ được xác nhận vào đầu tháng này. Zhixin New Information Technology là công ty mới được thành lập, hiện sở hữu khoảng 30 đại lý.
Honor là thương hiệu con hướng tới phân khúc giá rẻ được Huawei trình làng năm 2013. Tuy nhiên, nó nhanh chóng trở thành thương hiệu được yêu thích hàng đầu Trung Quốc với doanh số 70 triệu chiếc mỗi năm. Theo Huawei, Honor đã tạo ra doanh thu hơn 10 tỷ USD và chiếm khoảng 28% lượng máy xuất xưởng của toàn Huawei nửa đầu năm 2020, theo IDC.