Theo Reuters, thỏa thuận giữa Huawei và liên minh trên có trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (15,2 tỷ USD). Công ty Trung Quốc sẽ nhận hoàn toàn bằng tiền mặt và bàn giao lại cho bên mua các tài sản liên quan đến Honor, gồm bản quyền thương hiệu, bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) cũng như chuỗi cung ứng. Chi tiết thương vụ sẽ được công bố vào 15/11.
Sau khi việc mua bán hoàn tất, Digital China - một doanh nghiệp chuyên về phân phối thiết bị di động và các dịch vụ công nghệ thông tin tại Trung Quốc - sẽ là cổ đông lớn nhất với 15%, đồng thời sẽ làm nhiệm vụ phân phối smartphone Honor thời gian tới. Ít nhất ba công ty đầu tư được hỗ trợ bởi chính quyền thành phố Thâm Quyến sẽ đóng góp 10 đến 15% cổ phần mỗi công ty.
Honor sẽ giữ lại hầu hết đội ngũ quản lý và hơn 7.000 nhân viên. Công ty sẽ lên sàn chứng khoán trong ba năm tới.
Honor từ chối bình luận. Huawei và Digital China chưa đưa ra ý kiến gì.
Huawei hiện phải chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phía chính phủ Mỹ khiến hãng chỉ có thể dùng hệ điều hành Android mã nguồn mở cho sản phẩm của mình, chứ không thể sử dụng các dịch vụ của Google. Mảng bán dẫn của công ty cũng gặp nhiều khó khăn và không thể sản xuất chip trong tương lai.
Huawei thành lập Honor vào tháng 4/2013, nhưng doanh nghiệp này hoạt động độc lập. Theo các nhà phân tích, thương vụ có thể giúp Honor không phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Honor hiện bán smartphone qua website riêng và qua các nhà bán lẻ tại Trung Quốc. Sản phẩm của hãng cạnh tranh chủ yếu với Xiaomi, Oppo và Vivo. Ngoài thị trường quê nhà, công ty còn phân phối sản phẩm tại Đông Nam Á và châu Âu.
Theo Canalys, smartphone thương hiệu Honor chiếm 26% trong số 51,7 triệu thiết bị cầm tay mà Huawei xuất xưởng quý III năm nay. Ngoài ra, hãng còn bán máy tính xách tay, máy tính bảng, TV thông minh và các phụ kiện điện tử khác.
Bảo Lâm (theo Reuters)