Thông tin được ông Nguyễn Văn Nên đưa ra tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm, sáng 1/4. GRDP của TP HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng chỉ bằng 0,7% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa thành phố về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước. Năm 2023, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 7,5 đến 8%, thấp hơn năm ngoái.
Theo ông Nên, năm 2021, thành phố chiến đấu đại dịch với tình thế hết sức ngặt nghèo và đã kiểm soát được. Năm 2022 với tinh thần "lấy lại những gì đã mất", "đứng dậy sau cơn bạo bệnh", kinh tế thành phố đã phục hồi mạnh và đạt được những chỉ số rất phấn khởi. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái và đầu năm nay tình hình thay đổi. Thành phố đã dự tính sẽ gặp nhiều thách thức nên tập trung nâng cao chất lượng, thích ứng, tìm cơ hội để vượt qua khó khăn, các chỉ tiêu đề ra cũng thấp hơn năm 2022.
"Thành phố đã lường trước tình hình nhưng không ngờ thấp sâu như thế. Cách 'điều trị' của chúng ta đã đúng và cố gắng hết sức chưa?", ông Nên nói và yêu cầu cần nhìn nhận ở từng ngành, lĩnh vực để có giải pháp cho đúng trong những quý còn lại của năm và những năm còn lại của nhiệm kỳ.
Bí thư Thành uỷ TP HCM cho biết những ngày qua, nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách kinh tế - xã hội đã phát biểu, đặt câu hỏi, phân tích vấn đề của thành phố với tinh thần khách quan, tương đối chính xác và có sự sẻ chia.
"Điều đó cho thấy TP HCM đang được toàn xã hội quan tâm, thành phố cần xem lại mình để nỗ lực hơn", ông Nên nói và ví von kinh tế cả năm như một vòng đấu loại bóng đá. Ở trận đầu tiên (quý 1), thành phố dự tính hòa mà kết quả đã thua. Do đó, cả hệ thống cần phải cố gắng hết sức ở các trận còn lại.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, TS Trần Du Lịch, nói rằng sau gần 40 năm, tăng trưởng của TP HCM lần đầu tiên nằm trong nhóm cầm đèn đỏ của cả nước. Dù các chuyên gia đã đưa ra dự báo kém khả quan vào quý 4/2022, kết quả thực tế còn xấu hơn. Theo ông, quy luật đã được chứng minh khi các yếu tố vĩ mô, tình hình thế giới tích cực, thành phố sẽ khai thác vượt trội. Nhưng khi bối cảnh chung chuyển biến tiêu cực, thành phố cũng bị ảnh hưởng xấu nhiều hơn.
Làm rõ nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, ông Lịch cho rằng có 3 "phương thuốc" để TP HCM phục hồi sau cơn "bạo bệnh" - đại dịch, gồm: đầu tư công, tháo gỡ thể chế, thị trường nội địa nhưng trong quý 1 vừa qua đều không được sử dụng tốt.
Cụ thể, sau 3 tháng đầu năm, TP HCM chỉ giải ngân được 952 tỷ đồng, tương đương 2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ giải ngân được 1.604 tỷ đồng. Thành phố đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế. Về thể chế, ông cho biết đã có nhiều kiến nghị thành phố cần công khai, minh bạch thông tin của toàn bộ các dự án đang tồn đọng trên địa bàn. Dù vậy, thông tin đến nay vẫn mù mờ. Đầu tư tư nhân vì vậy cũng sa sút. Cuối cùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tại thành phố chỉ tăng trưởng hơn 3% trong khi cả nước đạt gần 10%. Điều này chưa bao giờ xảy ra.
"TP HCM phải tháo gỡ đầu tư công, đầu tư tư nhân để vốn vào nền kinh tế, còn không thì không làm được gì. Tuần trước tôi gặp 4 ông chủ doanh nghiệp xây dựng, họ nói giờ ở thành phố không có gì để làm, đứt gãy hết rồi", ông Lịch kể và nói thêm vấn đề mấu chốt là thành phố phải công khai, minh bạch thông tin để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có niềm tin, đầu tư trở lại, kinh tế mới tăng trưởng.
Theo ông Lịch, dự báo bối cảnh vĩ mô, thị trường tài chính có thể dễ chịu hơn, tình hình trong nước và cả thế giới khởi sắc hơn từ cuối quý 2, đầu quý 3. Nếu lãnh đạo TP HCM thật sự quyết tâm, giải quyết điểm cốt tử là sự trì trệ của bộ máy hành chính, có các hành động tháo gỡ cụ thể thay vì nói chung chung, thành phố hoàn toàn có thể đứng dậy trong những quý sau.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1, khu vực công nghiệp, dịch vụ của TP HCM giảm 3,6%, đóng góp 20,2% vào cơ cấu GDRP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận tồn kho tăng còn tiêu thụ và lao động giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, GRDP vẫn tăng trưởng dương nhờ vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp đi lên. Dịch vụ chiếm 66,1% cơ cấu kinh tế, tăng 2,07%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ nhưng mức tăng rất chậm và có xu hướng giảm.
Lê Tuyết - Việt Đức