Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách 2016 và tình hình những tháng đầu năm 2017, sáng 15/5, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại ghi nhận Chính phủ đã có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để hun đúc tinh thần sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ đánh giá lại một số vấn đề nổi lên gây bức xúc cho người dân gần đây, như chuyện giải cứu thịt heo vừa qua. "Tôi chỉ nói mỗi việc giá thị heo thôi, tôi thấy việc giải cứu là nỗi đau của chúng ta chứ”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nói.
Ông Giàu cho rằng, trong báo cáo trình thường vụ Quốc hội lần này, Chính phủ chưa có đánh giá, tính toán tác động rớt giá thịt heo vừa qua tác động giảm tới GDP bao nhiêu, trong khi mất mát lớn nhất đang do người dân gánh chịu.
Đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội - Đỗ Bá Tỵ cho rằng nhiều cuộc giải cứu như giải cứu dưa hấu, thịt heo... là đương nhiên vì nông dân khó khăn thì Chính phủ không thể làm ngơ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, nếu nhiều vấn đề cần giải cứu thì cần xem lại tầm vĩ mô quản lý đã đúng chưa.
"Chính phủ không thể làm ngơ, nhưng cần đánh giá lại. Cấp vĩ mô như Chính phủ lại phải lao vào giải cứu thì khâu dự báo đã làm tốt chưa? Tôi nghĩ nếu dự báo tốt chưa chắc phải giải cứu thế này. Từ đầu năm 2017 đến nay đã giải cứu mấy lần, như thế là quá nhiều", Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nói.
Ông đề nghị, Chính phủ phải đánh giá lại, đầu tư chỉ đạo vĩ mô dài hơi hơn, chủ động hơn để dân đỡ khổ. Nếu tính toán, dự báo tốt sẽ hạn chế thiệt hại cho dân. “Giải cứu phải là khi có tình huống lớn, liên quan đến thế giới, khu vực, chiến tranh hay thiên tai, chứ thông thường thế này vẫn giải cứu thì cần xem lại”, ông Tỵ nói.
Từ chuyện phải giải cứu thịt heo, dưa hấu... vừa qua cho thấy sự bị động trong quản lý, điều hành thị trường..., ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng nhìn nhận, Chính phủ phải đánh giá và quan tâm tới thị trường trong nước.
"Vì sao giá heo hơi rất thấp, nhưng giá ở siêu thị không đổi. Người dân bán 20.000 đồng, siêu thị bán 100.000 đồng một kg thịt heo?", ông Bình đặt vấn đề và cho rằng, một phần nguyên nhân là hệ thống phân phối đã nằm trong tay các đại gia, nên thiếu sự chủ động trong điều hành, quản lý giá.
Việt Nam đã ký một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước, cũng như tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), song thay vì chiếm lĩnh thị trường đối tác thì "chúng ta lại đang bị lấn thị trường nội địa". "Đừng để người dân sản xuất xong phải giải cứu sản phẩm của họ, tôi rất lo vấn đề này", ông bày tỏ.
Liên quan tới báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách 2017, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cân đối thu - chi. Tổng thu ngân sách năm 2016 đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với dự toán và 62.380 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Trong đó, thu ngân sách Trung ương giảm khoảng 396 tỷ so với dự toán, thu ngân sách địa phương tăng 82.390 tỷ. Tổng chi đạt 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 62.380 tỷ so với báo cáo Quốc hội. Bội chi ngân sách 254.000 tỷ, tương đương 4,95% GDP kế hoạch và 5,64% GDP thực hiện.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cũng cho rằng trước đây, cơ quan quản lý bị phê bình nhiều về vấn đề xin cho, phân bổ nguồn lực phân tán không tập trung, không hiệu quả thì bây giờ đã có bước tiến dài.
“Ngành tài chính đã vượt qua được nỗi sợ hãi thâm hụt ngân sách và nợ công. Nhiều lần anh Đinh Tiến Dũng (Bộ trưởng Tài chính) tâm sự với tôi là cực kỳ khó khăn nhưng đến nay đã vượt qua, vòng kim cô thu chi ngân sách đã vượt qua được”, ông Giàu nói.
Anh Minh