Ngày 4/12, tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 12 HĐND TP HCM khóa IX, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân được Chủ tịch HĐND TP HCM mời phát biểu. Ông dành nhiều thời gian nói về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn trong năm qua.
Về vấn đề ở Thủ Thiêm, ông Nhân cho biết, dự án đã có từ 22 năm trước nên giờ khó giải quyết nhanh. Thành phố đã tập trung bàn bạc định hướng từ trước khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, ngay sau khi có kết luận là bắt tay vào ngay.
"Thành phố đã có 3 cuộc làm việc với các Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND thành phố qua 5 nhiệm kỳ để làm rõ trách nhiệm, cái gì đúng, cái gì sai. Lần làm việc mới nhất là hôm chủ nhật 2/12", ông Nhân nói và cho biết Ban cán sự đảng UBND thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo đúng yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.
Khảo sát cho thấy, người dân Thủ Thiêm ở khu tạm cư sống khó khăn nên thành phố mời vào ở tạm trong các khu tái định cư. Thành phố cũng thống nhất chủ trương liên quan đến khu 4,3 ha được xác định "không nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm". Trong khi chờ xác định lại ranh, có 321 hộ dân được xác định thuộc diện này.
"Hộ nào đã rời khỏi đây mà giờ nhà ở khó khăn, quận 2 ngay lập tức mời vào ở khu tái định cư. Những ngày qua có một số bà con muốn trở về chỗ cũ, dựng lều ở tạm, nhưng đó không phải cách căn cơ. Chính sách cụ thể đền bù bao nhiêu phải có quy trình và thành phố đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho bà con", ông Nhân nói.
6 sai phạm cán bộ thành phố thường mắc phải
Về việc xử lý cán bộ vi phạm, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, thành phố đã kỷ luật 97 đảng viên, 141 cán bộ, công chức. Đây là điều rất buồn và đáng tiếc, không chỉ với các cá nhân sai phạm mà gây hoang mang cả những cán bộ công chức khác.
Ông Nhân cũng chỉ ra 6 loại sai phạm mà cán bộ thành phố phải nhận biết rõ để tránh, và yên tâm làm việc "chứ không thể vừa làm vừa lo". Cụ thể: giao đất cho dự án triển khai mà không đấu thầu; giá đất phải được tính đúng và có hội đồng thẩm định phê duyệt, thông tin cần minh bạch; khi yêu cầu doanh nghiệp làm và thanh toán dự án cần xác định giá trị đầu tư của dự án; doanh nghiệp tăng vốn và bán cổ phần phải xác định giá khởi điểm (có cơ quan tư vấn rõ ràng), công khai, mang tính cạnh tranh.
Tiếp đó là, dự án được phê duyệt, triển khai nhưng vật tư, máy móc... sử dụng không đúng chuẩn dẫn đến giảm chi phí lẫn chất lượng; quy trình triển khai dự án khu đô thị khi giao đất phải có đề án quy hoạch đã được phê duyệt rõ ràng.
"Thực tiễn sai phạm vừa qua ở thành phố đều xoay quanh những công thức này. Cán bộ phải hiểu rõ bản chất để có ý thức tránh xa. Nếu không tránh được thì nên đi làm việc khác, nếu thấy khó quá và không yên tâm làm việc thì đứng sang một bên chứ đừng ở đó làm việc không đúng. Nhân dân không cần những cán bộ làm việc như vậy", ông Nhân nói.
Trước đó, thông báo tham gia xây dựng chính quyền thành phố trong năm qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Tô Thị Bích Châu cho biết, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm từng được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại tầm cỡ Đông Nam Á, song giờ nhắc đến Thủ Thiêm là người dân còn rất nhiều bức xúc.
"Cử tri đề nghị chính quyền thành phố có giải pháp phù hợp để xử lý dứt điểm vụ việc. Đây là vấn đề nhạy cảm, gây bức xúc cho cả dư luận nên giải quyết cần công khai, minh bạch, có tình có lý và nhất là phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình thực hiện dự án", bà Châu nói.
Ngoài ra, cử tri thành phố cũng còn nhiều bức xúc về vấn đề chống ngập, cướp giật... Còn về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch ở Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng cần ưu tiên hoàn thiện hạ tầng giao thông nối quận 1 và 2 trước; đặc biệt trong quá trình xây dựng cần ưu tiên chất lượng công trình, tránh để xảy ra tiêu cực...
Thiên Ngôn