Trưa 22/11, dù còn một tiếng mới đến giờ tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM, song hàng trăm người dân Thủ Thiêm đã có mặt tại Nhà thiếu nhi quận 2 đăng ký phát biểu. An ninh thắt chặt, chỉ những người có giấy mời mới được vào trong.
Tổ công tác do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP HCM) dẫn đầu. Nội dung buổi làm việc là tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra và chương trình kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố (khai mạc ngày 4/12). Tuy nhiên, người dân chỉ tập trung vào bức xúc của gia đình mình, trong việc chính quyền TP HCM sai phạm khi cưỡng chế nhà đất của họ để làm Khu đô thị Thủ Thiêm.
Người Thủ Thiêm truy trách nhiệm giám sát của Đại biểu Quốc hội TP HCM
Là một trong những người đầu tiên trình bày, bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương giọng khá gay gắt khi nhắc lại trường hợp gia đình mình bị cưỡng chế nhà đất dù nằm ngoài ranh quy hoạch. Bà chỉ ra trách nhiệm của chính quyền và Công an quận 2 trong việc này, đồng thời đặt ra trách nhiệm giám sát của HĐND TP HCM.
Ông Nguyễn Tuấn Tú (phường Bình Khánh) nói rằng, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm không có đồ án quy hoạch 1/5000, không công khai quy hoạch chi tiết, không có quyết định thu hồi đất, không có phương án bồi thường, quyết định cưỡng chế của UBND quận 2 là vi phạm pháp luật... "Vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND ở đâu? Bà Quyết Tâm có thấy mình hoàn thành nhiệm vụ hay không?", ông chất vấn.
Còn bà Nguyễn Thị Thuý Lan (ngụ phường Bình Khánh) vừa khóc vừa nói: "Người dân bầu các Đại biểu Quốc hội, HĐND để đại diện cho tiếng nói của họ. Các đại biểu nghe dân hay nghe nhóm lợi ích hại dân? Nhà tôi ở ngoài ranh nhưng đã bị ông Chủ tịch quận 2 Nguyễn Cư dùng quyền lực cưỡng ép phải dời đi". Rồi bà kể khi bà đi khiếu nại thì thanh tra kêu rút đơn đi, "coi như chị xui, coi như chị cầm mấy chục cây vàng ra đường bị giật mất đi".
Là người hiếm hoi nói bằng giọng điềm tĩnh, bà Nguyễn Thị Hà chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND quận 2 trong việc cưỡng chế nhà đất của bà và hàng xóm. Đề cập đến những quy định pháp luật, bà khẳng định chính quyền đã làm sai, gây bao đau khổ cho người dân. Bà đề nghị lãnh đạo thành phố "hãy một lần thật lòng lắng nghe" bà con Thủ Thiêm, dù là trong ranh hay ngoài ranh, đã đi rồi hay còn ở lại, chính quyền thành phố phải làm cho được một điều đó là "an dân".
Theo bà Hà, thành phố đang có sự nhầm lẫn tai hại về vấn đề trong ranh và ngoài ranh. Không chỉ có 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch mà cả 5 khu phố thuộc 3 phường. Bà đề nghị các đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố phải trả lời ngay tại buổi làm việc này: "Ai là người đã ký quyết định thu hồi toàn bộ nhà của bà con Thủ Thiêm, khiến mồ mả ông bà cũng bị đào bới? Ai là người ký quyết định bê toàn bộ đồ đạc của bà con và nhiều người bị mất hết tài sản?".
Đề nghị xử lý lãnh đạo thành phố sai phạm, trả lại 160 ha đất tái định cư
Nhiều giờ trôi qua, các cử tri tiếp tục gay gắt nói về việc thu hồi đất trái pháp luật của UBND TP HCM, quận 2. Họ dành nhiều lời chỉ trích nặng nề đến nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM và hàng loạt cựu cán bộ, cán bộ đương chức... có liên quan đến chủ trương cưỡng chế nhà đất của họ. Giọng ai cũng lạc đi.
Cũng như những người khác, bà Nguyễn Thị Tám (ngụ phường Bình Khánh) khẳng định nhà đất của mình và những hộ dân tại 5 khu phố thuộc 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạch. Bà nhắc lại việc Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân từng nói "nếu nhà chị ngoài ranh thì cứ về cất nhà mà ở" nên tuyên bố: "Năm hết Tết đến rồi, chúng tôi sẽ quay về cất nhà để cúng ông bà. 8 năm nay không có nhà, cha mẹ tôi chừng đó năm không có người cúng rồi", bà nói.
Bà Tám cũng yêu cầu các cấp chính quyền phải xử lý những cán bộ sai phạm, trong đó nghiêm trọng nhất là ông Tất Thành Cang - Phó bí thư Thường trực TP HCM. Bà cũng chất vấn đại biểu Trịnh Ngọc Thuý (Phó chánh án TAND TP HCM): "Vì sao các vụ kiện của chúng tôi, tòa đều xử thua?".
Ông Đoàn Văn Phương (phường Bình An) nói rằng, sai phạm ở Thủ Thiêm do các lãnh đạo thành phố, quận 2 ở các nhiệm kỳ trước, không phải các lãnh đạo thành phố hiện tại. "Tôi đề nghị đưa những cá nhân, tổ chức cố ý làm trái ra xét xử - như ông Tất Thành Cang. Không được dung túng ông ấy, để lấy lại niềm tin cho nhân dân", ông Phương nói và đề nghị trả lại 160 ha đất tái định cư (thành phố đã giao cho các dự án), đồng thời trả lại nhà đất 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch.
Nhắc chuyện mười mấy năm đi khiếu nại, ông Đặng Văn Truyền (ngụ phường Bình An) nói rất bức xúc khi cơ quan chức năng dùng vòi rồng, hơi cay, xịt vào nhà dân để cưỡng chế, buộc họ phải rời đi. "Tôi xin hỏi những người đưa ra quyết định cưỡng chế đó phải chịu trách nhiệm thế nào? Theo tôi là phải truy tố, lấy tài sản tham nhũng để khắc phục cho người dân", ông bức xúc.
Ngồi trên xe lăn, ông Nguyễn Đình Đệ (phường An Khánh) nói: "Chúng tôi hoàn toàn không còn niềm tin. Thành phố xin lỗi thì chúng tôi chấp nhận, kêu chúng tôi tha thứ thật lòng thật dạ chúng tôi cũng tha thứ. Nhưng hợp tác là phải hai bên cùng có lợi, hiểu nhau, bình đẳng, bảo đảm quyền lợi cho người dân thì mới hợp tác được", ông Đệ nói và tiếp tục dành những lời cay đắng về dự án Thủ Thiêm vì đã đẩy hàng nghìn người có công ăn việc làm ra đường.
'Người dân phải vay tiền xã hội đen để sống'
Mặc áo sơ mi trắng, ông Nguyễn Bảo Sơn (ngụ phường An Khánh) tóc bạc phơ, tay run run cầm quyển sổ ghi chép các mốc thời gian, các quyết định... liên quan đến dự án, nói: "Thủ Thiêm sau 20 năm vẫn là khu đất tan hoang, 15.000 hộ gia đình, gần nửa triệu người dân vẫn đang sống đau khổ, rất buồn phiền, oán trách. Chính là vì có đội ngũ cán bộ cam tâm làm những việc không tốt. Người dân Thủ Thiêm cạn hết niềm tin rồi, bởi hơn 20 năm qua không kêu ai được".
"Các đồng chí là Thiện Nhân, Quyết Tâm... tên cha mẹ đặt rất hay. Mong rằng các đồng chí hãy dũng cảm làm những việc đem lại công bằng cho người dân, để cứu người dân chúng tôi. Bây giờ Tết gần đến rồi, nhiều hộ dân phải đi vay tiền của xã hội đen. Bản thân tôi cũng phải vay, mỗi tháng phải đóng 20% tiền lãi, chắc khó yên mà đón giao thừa, cúng ông bà. Mong quý vị cố gắng sửa những điều sai, chia sẻ với đau khổ của chúng tôi", ông kết thúc trình bày.
Vừa cầm được micro trình bày, bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (ngụ phường An Lợi Đông) òa khóc khi nhắc lại việc nhà bị cưỡng chế năm 2009 và không được bồi thường. "Nhà tôi là đất thổ cư, diện tích 540 m2 và có đóng thuế hàng năm. Chúng tôi có bằng khen gia đình văn hóa, mẹ liệt sĩ... mà đến khi giải tỏa thì bảo 'nhà không số' rồi không bồi thường. Chính việc cưỡng chế trái luật này đã đẩy gia đình tôi vào con đường cùng, không còn nhà để ở, con cái không được học hành", bà Mỹ khóc, tuyên bố "sẽ quay về đất của mình để làm nhà lại ở, không đi lang thang nữa".
Không được ban tổ chức mời, nhưng bà Trương Thị Yến (Khu phố 3, phường Bình An) tự lấy micro đem theo để phát biểu. "Tôi bức xúc vô cùng, tôi nhịn quá nhiều rồi. Hôm nay phải để tôi nói", bà lớn tiếng và đề nghị thành phố phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương liên quan đến khiếu nại của các hộ dân đối với dự án của Công ty Trường Thịnh (hơn 7.000 m2) bị cho là có sai phạm.
Hội trường liên tục vang lên tiếng la ó vì nhiều người chưa đến lượt trình bày, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phải trấn an, hứa: "Bà con yên tâm, chúng tôi sẽ ngồi nghe tới ý kiến cuối cùng. Để giữ gìn sức khỏe, bà con bình tĩnh, nói lớn quá, xúc động quá thì chúng tôi cũng không nghe rõ được". Mọi người vỗ tay.
Đại diện 21 hộ giáo viên bị ảnh hưởng bởi dự án Thủ Thiêm, ông Đào Bé đặt câu hỏi: "Vấn đề 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch đã được lãnh đạo thành phố báo cáo Thanh tra Chính phủ chưa?". Ông cũng đề cập, 10 năm trước Chánh thanh tra thành phố đã có Kết luận 445 do ông Lâm Xuân Cường ký, nội dung nêu 11 điểm sai của các cá nhân, tập thể tại dự án Khu đô thị Thủ Thiêm. So với Kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ hôm 4/9 vừa rồi không khác nhau nhiều, vì sao lại có sự yên lặng suốt hàng chục năm.
Lãnh đạo TP HCM các thời kỳ được mời làm việc về sai phạm Thủ Thiêm
Sau gần 4 tiếng lắng nghe ý kiến cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm xin có ý kiến, nếu người nào chưa đồng ý tổ đại biểu sẽ tiếp tục ghi nhận.
Bà Tâm cho biết 4 vấn đề người dân bức xúc đều đã được báo cáo Quốc hội để tổ chức thanh tra toàn diện Khu đô thị Thủ Thiêm. Còn về phía TP HCM, trên tinh thần sai là phải sửa, thành phố đã mời tất cả Thường trực UBND các thời kỳ, các sở ngành liên quan đến dự án Khu đô thị Thủ Thiêm về làm việc, rà soát lại tất cả. "Biết là hàng chục năm qua rồi, việc sửa là rất khó nhưng khó mấy cũng phải làm", bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu chính quyền đưa ra các phương cách "sửa sai bằng được" rồi sẽ thảo luận với người dân để giải quyết. "Ưu tiên số một của Ban Thường vụ Thành ủy là giải quyết quyền và lợi ích người dân, nhưng đồng thời sẽ kiểm điểm, xử lý cán bộ sai phạm... Để sai sót ở Thủ Thiêm thế này là trách nhiệm của thành phố", bà Tâm nói.
Gần 20h, buổi tiếp xúc cử tri kết thúc sau gần 6 tiếng làm việc. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định ý kiến của hơn 50 hộ dân đều được ghi nhận và báo cáo với Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM và trung ương.
Liên quan các khiếu kiện tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 4/9 Thanh tra Chính phủ kết luận: TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, phá vỡ quy hoạch Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. UBND TP HCM được yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân. Hiện, thành phố đã xác định được ranh quy hoạch khu 4,3 ha trên bản đồ và sẽ xin ý kiến Thường vụ Thành ủy, Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý. Sau đó thành phố họp dân để thông báo và cắm mốc cụ thể toàn khu, xác định ranh cụ thể của từng trường hợp. Với những cá nhân và tập thể liên quan sai phạm như: UBND thành phố, UBND quận 2, các phường và lãnh đạo Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua các thời kỳ... trong tuần sau UBND thành phố báo cáo Thành ủy, hoàn tất việc kiểm điểm trong tháng 11. |
Ban Thời sự
Xem diễn biến chính