Chiều 7/8, sau khi dự phiên họp thường trực của Chính phủ về Covid-19, TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ với VnExpress về giải pháp chống dịch của Chính phủ với đợt Covid-19 thứ hai.
- Là người tham dự nhiều phiên họp thường trực của Chính phủ, ông thấy cách thức chống dịch của Chính phủ ở đợt dịch thứ hai này có gì khác trước?
- Covid-19 quay trở lại là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, khi dịch bùng lên ở Đà Nẵng, Chính phủ đã có những ứng xử kịp thời. Chưa có sự kiện nào mà cứ 2 ngày thường trực Chính phủ lại họp một lần để có những chỉ đạo phù hợp như thế.
Chính phủ cũng rút được nhiều kinh nghiệm từ lần dịch hồi đầu năm. Ở đợt một, khi phát hiện người lây nhiễm ở một địa phương hay khu vực là thực hiện cách ly cả cụm. Sau đó, khi có kinh nghiệm hơn, chúng ta điều chỉnh xuống cách ly theo thôn hoặc khu phố.
Bây giờ, Chính phủ đã có nhiều hơn thông tin về dịch tễ, cơ chế lây nhiễm nên việc khoanh vùng cách ly được xử lý vừa đủ để chống dịch mà vẫn có độ mở để kinh tế vận hành. Như vậy, Chính phủ đã hài hoà trong công tác chống Covid-19, đảm bảo nền kinh tế không bị tác động quá lớn.
Mặt khác, do virus và cách thức lây nhiễm của lần hai đã khác nên phương án phòng dịch cũng thay đổi. Đơn cử như bây giờ, Việt Nam từ xét nghiệm nhanh chuyển sang làm xét nghiệm theo nhóm để giúp phân loại nhanh người nhiễm bệnh và giảm chi phí. Theo tính toán của các nhà dịch tễ, nếu làm tỷ lệ lây nhiễm chỉ dưới 10% thì hình thức này sẽ giúp tiết kiệm được 80% chi phí cũng như trấn an được tâm lý người dân, tránh những hoảng loạn không cần thiết.
- Vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả trong cách xử lý lần này?
- Mọi thứ đang phát huy tốt. Chúng ta vừa chống dịch, vừa giảm thiệt hại về người, bảo vệ được những người ở tuyến đầu là bác sĩ. Chúng ta hạn chế được nguồn lây nhiễm nhưng không "ngăn sông cấm chợ" khiến kinh tế đình trệ. Đây là điều Việt Nam làm được trong khi nhiều quốc gia không thể.
Đơn giản như việc đeo khẩu trang, Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của người dân trong thực hiện. Tất nhiên vẫn có chỗ này, chỗ kia nhưng khi có vi phạm, tự người dân phản ánh, nhắc nhở. Sự chỉ đạo sát của Chính phủ, sự đồng lòng của người dân đã giúp cho công tác chống Covid-19 của Việt Nam đạt được những kết quả mà thế giới cũng phải ghi nhận.
- Trong trường hợp các ca nhiễm bệnh bùng phát mạnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, ông thấy Chính phủ đã chuẩn bị phương án gì?
- Kể cả TP Hà Nội, TP HCM xuất hiện đến 50 ca nhiễm, việc xử lý vẫn diễn ra bình thường, cách ly người bệnh và những người tiếp xúc. Đợt trước Việt Nam giãn cách toàn xã hội là vì chúng ta chưa có kinh nghiệm. Còn nay khi đã nghiên cứu về cơ chế dịch tễ, lây nhiễm và có phương thức điều trị, việc khoanh vùng sẽ ngày càng sát sao hơn.
"Cách ly toàn xã hội hay không" đã là vấn đề của hồi tháng 4 khi không cập nhật thêm được những thành tựu mà ngành y tế trong nước, thế giới đạt được trong 3 tháng qua.
TP HCM đã chuẩn bị cho tình huống phải cách ly 20.000 người. TP Hà Nội cũng tính toán việc sử dụng khu vực Làng sinh viên, doanh trại quân đội... để làm địa điểm cách ly. Chúng ta cũng chuẩn bị tinh thần để đưa những người từ tâm dịch Đà Nẵng về địa phương sau 14 ngày.
Tôi nghĩ người dân nên hiểu là tuỳ tình hình diễn biến của dịch sẽ có những quyết định phù hợp. Ở một mức nào đấy căng thẳng hơn, Chính phủ có thể sẽ quyết định giãn cách như Đà Nẵng vừa qua, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Tuy nhiên, cách xử lý sẽ có linh hoạt rất lớn. Ví dụ phong toả Đà Nẵng nhưng nếu tình hình dịch quá căng thẳng, bệnh nhân sẽ được chuyển ra Huế để giảm tải. Bây giờ, chúng ta phải rất linh hoạt, chủ động bám sát tình hình để ra quyết định chứ không lấy hình mẫu của đợt một áp vào. Đợt dịch hồi đầu năm khác với hiện tại. Dịch sẽ còn tiếp diễn. Phương án Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng ứng phó với tâm thế Covid-19 sẽ kéo dài.
- Dịch sẽ còn tiếp diễn, vậy làm thế nào để nền kinh tế hình thành được hệ miễn dịch?
- Việc có vaccine rồi triển khai đại trà ở mức 60–70% dân số, khoảng 55-60 triệu người Việt sẽ đòi hỏi hàng năm với kinh phí lớn.
Kinh tế, xã hội rồi sẽ phải thích nghi trong trạng thái "bình thường mới". Dù vậy không có nghĩa là kinh tế sẽ "miễn dịch" với dịch bệnh vì một khi có sự ngăn cấm, hạn chế, cách ly, việc làm ăn chắc chắn bị ảnh hưởng.
Ví dụ, các cửa hàng dịch vụ ăn uống, cà phê chắc chắn giảm doanh số. Họ có thể thích ứng bằng đưa lên kênh online, giao hàng tận nơi nhưng sẽ phải tăng chi phí. Chi phí tăng trong bối cảnh việc làm, thu nhập khó khăn khiến nhu cầu của người tiêu dùng bị giảm.
Tôi cũng nghĩ là "đã ốm thì phải yếu", không có lý do gì để bảo là đang ốm mà ra sân vận động cho khoẻ ngay được. Phải nằm đấy, mất một thời gian tối thiểu mới khôi phục lại được.
Còn Chính phủ cũng đang thực hiện nhiều biện pháp giãn thuế, các khoản phải thu như tiền đất, tiền mặt bằng, hỗ trợ cho người lao động... để giúp nền kinh tế bớt đi khó khăn rồi.
Phương Ánh