Ngày 26/7, ông Chung, 54 tuổi, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công ra (C03) đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 1 điều 281 Bộ luật Hình sự 1999; khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, C03 đề nghị truy tố 6 bị can là: Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy; Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Võ Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh; Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh.
Theo kết luận điều tra, năm 2016 Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức đấu thầu gói thầu số hoá hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 trên địa bàn. Công ty Đông Kinh không đủ năng lực nộp hồ sơ nên rủ Công ty Nhật Cường cùng tham gia. Để hợp thức hoá việc nộp hồ sơ đấu thầu, Nhật Cường đã ký hợp đồng kinh tế khống với Công ty Minh Hoa (do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, vợ ông Chung làm giám đốc).
Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh sau đó sử dụng hợp đồng khống này để hợp thức hóa hồ sơ năng lực và dự gói thầu.
Do có mối quan hệ từ trước và được Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, nhờ nên ông Chung sử dụng quyền của Chủ tịch UBND Hà Nội để can thiệp. Ông yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cho Nhật Cường tham gia đấu thầu, trúng thầu và hưởng lợi ích.
Theo C03, ông Chung biết và chấp nhận mọi hậu quả vật chất lẫn phi vật chất xảy ra do sai phạm trong đấu thầu gây ra. Hành vi của ông cùng với các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu của cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư dẫn đến hiệu quả, mục đích gói thầu không đạt được. Chỉ có 45% hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và điều này gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.
Cơ quan điều tra nhận định, ông Chung đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Hành vi này khởi đầu và là nguyên nhân xuyên suốt, trực tiếp dẫn đến các thuộc cấp ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện sai phạm.
Ông Chung bị cho rằng không thành khẩn khai báo, né tránh, không thừa nhận sai phạm của bản thân, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới. Ông còn chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Tại cơ quan điều tra, ông Chung khai có quen Bùi Quang Huy từ năm 2005-2006 khi còn làm ở Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội. Tuy nhiên, cựu chủ tịch Hà Nội không thừa nhận có chỉ đạo đình chỉ thầu như cáo buộc.
Ông Chung khai chỉ đạo Nhật Cường vào làm thí điểm số hoá nhưng việc thí điểm không liên quan đến gói thầu, không tác động Sở Kế hoạch và Đầu tư sửa hồ sơ mời thầu. Sau khi bị khởi tố, ông Chung mới biết Công ty Minh Hoa của vợ mình và Nhật Cường thực hiện hợp đồng kinh tế.
Theo kết luận điều tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chuyên môn của UBND thành phố nên chịu sự điều hành, chỉ đạo của chủ tịch UBND Hà Nội. Tuy nhiên quá trình thực hiện gói thầu đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn vào năm 2016 và 2017, các bị can là cán bộ sở này cùng các bị can thuộc Công ty Nhật Cường và Đông Kinh đã thực hiện các chuỗi vi phạm.
Bị can Nguyễn Văn Tứ lợi dụng chức vụ là Giám đốc Sở đã thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của ông Chung dừng gói thầu số hoá sai quy đinh. Ông Tứ sau đó chỉ đạo cho Nhật Cường làm thí điểm, đưa thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu. Hành vi này bị cho rằng tạo lợi thế cho liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng gói thầu năm 2016.
Quá trình thực hiện gói thầu, Bùi Quang Huy đến phòng làm việc ông Tứ chúc Tết một chai rượu ngoại và 300 triệu đồng. Ông Tứ nhận thức đây là số tiền hưởng lợi bất chính nên phối hợp với gia đình nộp lại. Hành vi của ông Tứ bị C03 quy kết là lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái quy định pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại hơn 18,3 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Tiến Học lợi dụng quyền hạn là đại diện chủ đầu tư, bên mời thầu để chỉ đạo dừng trái pháp luật gói thầu đang triển khai năm 2016, sau đó tạo lợi thế cho liên danh Nhật Cường Đông Kinh trúng thầu. Ông Học còn phê duyệt dự toán, khối lượng, kế hoạch đấu thầu gói thầu năm 2016, 2017 với đơn giá 2.849 đồng một trang tài liệu số hoá. "Điều này không đúng với nội dung công việc ghi trong hồ sơ mời thầu, từ đó gây thiệt hại hơn 18,3 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, ông Học còn nhận của bị can Tuấn 100 triệu đồng", kết luận điều tra nêu.
Bà Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường bị xác định thoả thuận, thông đồng với nhà thầu trong việc lập, điều chỉnh bổ sung một số các tiêu chí kỹ thuật đã được áp dụng trong quá trình thí điểm vào hồ sơ mời thầu sửa đổi, lập hồ sơ mời thầu không đúng; tạo lợi thế cho liên danh Nhật Cường Đông Kinh trúng thầu. Hành vi của bị can Tuyến, Hường đã gây thiệt hại hơn 26,5 tỷ đồng. Khi thực hiện gói thầu, bà Tuyến nhận của Công ty Đông Kinh 30 triệu đồng.
Về phía Công ty Đông Kinh, trước thời điểm dừng thầu năm 2016, công ty đã mua hồ sơ mời thầu gói thầu số hoá nhưng không đủ năng lực triển khai. Quá trình hợp tác với Nhật Cường, Hùng biết Bùi Quang Huy có mối quan hệ thân thiết với ông Chung nhưng Nhật Cường lại không có năng lực về số hoá nên đã mời hợp tác.
Võ Việt Hùng cùng Lê Duy Tuấn bị cáo buộc có hành vi thông thầu, thiết lập quân xanh, quân đỏ để nhà thầu liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu, gian lận chuyển nhượng phạm vi công việc. Hành vi này gây thiệt hại hơn 26,5 tỷ đồng.
Bùi Quang Huy cũng có hành vi gian lận trong vụ án này nhưng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Đây là vụ án thứ 3, cựu chủ tịch Hà Nội bị điều tra, truy tố, xét xử. Vụ án đầu tiên liên quan Nhật Cường, tháng 12/2020, ông Chung bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Trong vụ án thứ hai, ông Chung bị khởi tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với cáo buộc liên quan sai phạm khi mua chế phẩm Redoxy-3C làm sạch hồ ô nhiễm. Vụ án xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.