"Sự điên cuồng của phương Tây không thể dẫn tới điều gì khác ngoài ngõ cụt. Thế chiến III đang đến gần", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói trên Telegram ngày 11/7.
Bình luận của ông Medvedev đưa ra cùng ngày hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc ở Litva, nơi một số quốc gia cam kết cung cấp thêm vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Ông Medvedev khẳng định nỗ lực viện trợ này không thể ngăn Nga thực hiện mục tiêu ở Ukraine.
"Tất cả những điều này có ý nghĩa gì với chúng tôi? Mọi thứ rất rõ ràng. Chiến dịch đặc biệt sẽ tiếp tục với những mục tiêu đã định", ông nói.
Ông Medvedev thời gian qua thể hiện lập trường chống phương Tây quyết liệt. Các nhà ngoại giao cho rằng quan điểm của ông phản ánh suy nghĩ của giới lãnh đạo Nga.
Trong hai năm qua, ông Medvedev nhiều lần cảnh báo về "Thế chiến III" khi phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine. Trong phát biểu gần đây nhất hồi tháng 5, ông cho rằng "kẻ thù của Nga thực sự đang đẩy thế giới tới bờ vực thảm họa toàn cầu, trong đó không bên nào có thể thắng". Ông còn nhiều lần nhắc lại tuyên bố rằng Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần.
Phương Tây nói muốn giúp Ukraine giành phần thắng trong cuộc chiến với Nga. Kể từ khi xung đột bắt đầu vào cuối tháng 2 năm ngoái, Mỹ cùng đồng minh đã cung cấp lượng lớn vũ khí và đạn dược cho Kiev.
Mỹ ngày 7/7 lần đầu tuyên bố cung cấp đạn chùm DPICM cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới nhất. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết "rất khó khăn" khi đưa ra quyết định cung cấp đạn chùm, song quân đội Ukraine "đang cạn đạn dược". Động thái của Mỹ đã vấp phản đối mạnh mẽ từ nhiều bên, trong đó có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói Moskva sẽ phải sử dụng vũ khí "tương tự" nếu Mỹ cung cấp đạn chùm cho Ukraine. Ông Medvedev ngày 11/7 cũng ủng hộ sử dụng đạn chùm, sau khi có báo cáo về việc Ukraine đã dùng vũ khí này.
Nga và Ukraine từng cáo buộc nhau sử dụng đạn chùm trong cuộc xung đột hiện tại. DPICM của Mỹ là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán bom con, đạn con để phát nổ trên khu vực rộng lớn, phá hủy xe tăng, thiết giáp và gây thương vong với bộ binh. Những quả đạn con có thể không phát nổ khi tiếp đất và tạo rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn.
Thanh Tâm (Theo Reuters)