Kết quả sơ bộ ngày 10/6 trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cho thấy đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ giành vị trí thứ ba, xếp sau đảng trung hữu Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).
Tại Pháp, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp (RN) cũng giành chiến thắng cách biệt lớn trước đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron. Kết quả này giáng đòn mạnh tới Tổng thống Macron, khiến ông nhanh chóng giải tán quốc hội và tổ chức bỏ phiếu sớm.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev ngày 10/6 nói rằng kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cho thấy ông Scholz và ông Macron "không được ai coi trọng".
Ông Medvedev cho rằng hai lãnh đạo Đức, Pháp đã bị người dân quay lưng vì chính sách quản lý yếu kém và sự ủng hộ của họ dành cho Ukraine.
"Đến lúc về vườn rồi đấy, trở thành tàn tích của lịch sử", ông Medvedev nói, đề cập tới Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp.
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin trước đó cũng kêu gọi ông Scholz và ông Macron nên từ chức và "ngừng làm khổ người dân".
Sau khi nổ ra xung đột Ukraine hồi tháng 2/2022, giới chức Nga nhiều lần cáo buộc các lãnh đạo EU đã quay lưng với lợi ích của người dân trong nước khi áp các lệnh trừng phạt Moskva và viện trợ Kiev, đáng chú ý nhất là việc khối này ngừng mua khí đốt Nga.
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang gây chú ý với sự trỗi dậy của phe cực hữu, những người theo đường lối dân túy và không muốn châu Âu can thiệp ra bên ngoài.
Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới sẽ bắt đầu họp phiên đầu tiên ngày 16-19/7 tại Strasbourg, Pháp và xử lý các vấn đề như xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng thương mại toàn cầu, trong đó nổi bật nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung, vấn đề khí hậu và kịch bản ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Ngọc Ánh (Theo RT/Reuters/AFP)