Tổng thống Emmanuel Macron ngày 22/3 trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 và France 2, lần đầu đưa ra quan điểm sau khi chính phủ Pháp vượt qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vì vượt quyền quốc hội để thông qua luật cải cách hưu trí gây tranh cãi. Ông cho rằng đây là biện pháp cần thiết để cân bằng hệ thống hưu trí của Pháp trong bối cảnh nhân khẩu học có sự thay đổi.
"Nếu tôi có hối tiếc thì đó là đã không thuyết phục thành công mọi người về sự cần thiết của cải cách không dễ chịu này", ông Macron nói. "Nhưng tôi không hối tiếc".
Luật cải cách hưu trí Pháp sẽ nâng tuổi nghỉ hưu ở nước này từ 62 lên 64 vào năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Ông chủ Điện Elysee kêu gọi triển khai các quy định mới trong năm nay.
"Chúng ta càng chờ đợi lâu, mức thâm hụt sẽ càng tồi tệ. Cải cách này là cần thiết nhưng nó cũng không khiến tôi vui chút nào", ông Macron bổ sung.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại thủ đô Paris ngày 14/3. Ảnh: AFP
Chính quyền Tổng thống Macron hôm 16/3 kích hoạt Điều 49.3 trong hiến pháp để vượt quyền quốc hội, phê chuẩn luật cải cách hưu trí. Điều 49.3 cho phép chính phủ có thể thông qua một dự luật sau khi họp nội các mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện.
Phe đối lập sau đó kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ Pháp tại quốc hội để phản đối nhưng bất thành. Phe này đang tìm cách khiếu nại lên Hội đồng Bảo hiến Pháp, cơ quan hiến pháp quyền lực nhất, để chặn một phần hoặc toàn bộ luật cải cách hưu trí. Hội đồng Bảo hiến Pháp sẽ có một tháng để đánh giá những ý kiến phản đối với đạo luật.
Tổng thống Macron tuyên bố sẵn sàng chấp nhận mất lòng người dân. Ông đang trong nhiệm kỳ hai và không thể tái tranh cử năm 2027. Kết quả một cuộc thăm dò ngày 19/3 cho thấy chỉ 28% người tham gia ủng hộ ông Macron, thấp nhất kể từ cao điểm phong trào "Áo Vàng" phản đối chính phủ năm 2018 - 2019.
"Giữa kết quả các cuộc thăm dò ý kiến ngắn hạn và lợi ích chung của quốc gia, tôi chọn vế sau", ông nói. "Nếu cần phải chấp nhận sự mất lòng, tôi sẵn sàng".

Người biểu tình đốt pháo sáng khi phong tỏa ga tàu Matabiau ở thành phố Toulouse, Pháp ngày 22/3. Ảnh: Reuters
Cải cách hưu trí của chính phủ Pháp cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các công đoàn. Hàng loạt cuộc biểu tình, đình công đã nổ ra tại nhiều thành phố ở Pháp những ngày gần đây và hàng trăm người đã bị cảnh sát bắt.
Philippe Martinez, lãnh đạo công đoàn CGT, nói các bình luận của ông Macron thể hiện "sự coi thường hàng nghìn người đang biểu tình". Trong khi đó, Laurent Berger, lãnh đạo công đoàn CFDT lớn nhất Pháp, cáo buộc ông Macron "dối trá" khi nói các công đoàn không đưa ra lựa chọn thay thế cải cách hưu trí.
Các công đoàn dự định đồng loạt biểu tình, đình công trong ngày 23/3, động thái có thể gây gián đoạn đáng kể đến hoạt động vận tải công cộng tại các thành phố lớn.
Tổng thống Pháp nói ông tôn trọng các công đoàn và các quan điểm đối lập nhưng lên án những hành vi bạo lực, như đe dọa nhằm vào giới chức. Ông kêu gọi người biểu tình dỡ bỏ các chướng ngại vật trên đường phố để Pháp "trở lại bình thường sớm nhất có thể".
Như Tâm (Theo AFP, WSJ)