Sau khi được Thượng viện thông qua sáng 16/3, dự luật cải cách hưu trí lẽ ra được chuyển đến Hạ viện chiều cùng ngày để thảo luận và bỏ phiếu. Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy Hạ viện Pháp sẽ thông qua dự luật này.
Thay vì chờ đợi Hạ viện thông qua, Thủ tướng Elisabeth Borne thông báo Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định kích hoạt Điều 49.3 trong hiến pháp để "vượt quyền" quốc hội, phê chuẩn luật nâng tuổi nghỉ hưu của lao động Pháp từ 62 lên 64.
Khi Thủ tướng Borne thông báo quyết định tại quốc hội, các nghị sĩ phản đối dự luật la ó, đồng thanh hô lớn yêu cầu bà từ chức. Phiên họp có lúc phải tạm dừng hai phút do các nghị sĩ hát quốc ca Pháp quá lớn, át giọng của bà Borne.
Tổng thống Macron chưa phát biểu công khai sau sự việc. "Bạn không thể chơi đùa với tương lai đất nước", ông nói trong phiên họp nội các để thảo luận về kích hoạt Điều 49.3, theo một quan chức tham dự.
Điều 49.3 trong hiến pháp Pháp cho phép chính phủ có thể thông qua một dự luật sau khi họp nội các mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện. Các nghị sĩ có thể đáp trả bằng cách đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong vòng 24 giờ. Nếu kiến nghị được quá bán nghị sĩ Hạ viện ủng hộ, dự luật sẽ bị bác bỏ và chính phủ phải từ chức. Nếu không, dự luật được coi là đã thông qua và trở thành luật.
Hạn chót để các nghị sĩ Pháp đưa ra kiến nghị là 15h (21h giờ Hà Nội) ngày 17/3. Hai đảng cánh hữu National Rally và cánh tả France Unbowed đều tuyên bố sẽ làm vậy.
Chính phủ Pháp đã nhiều lần kích hoạt Điều 49.3, chủ yếu trong giai đoạn giữa những năm 1970, vì nhiều lý do, trong đó có thúc đẩy thông qua dự luật hoặc triển khai các biện pháp không được đa số nghị sĩ ủng hộ. Chính phủ bà Borne từng kích hoạt điều khoản này 10 lần để thông qua các dự luật ngân sách.
Các công đoàn và giới phân tích cảnh báo kích hoạt Điều 49.3 nguy cơ cực đoan hóa phe đối lập và làm mất tính dân chủ của dự luật.
Tuy nhiên, các nghị sĩ đối lập khó giành được đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm để giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, Renaud Foucart, giảng viên cấp cao về kinh tế tại Đại học Lancaster, Anh, nhận định.
Dự luật bao gồm nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 vào năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Khi được công bố năm ngoái, dự luật vấp phải phản đối từ công chúng, với nhiều cuộc biểu tình, đình công đã xảy ra từ tháng 1, và cũng không nhận được nhiều ủng hộ tại Hạ viện.
Tổng thống Macron từng thúc đẩy dự luật trong nhiệm kỳ đầu tiên nhưng không thành công. Ông nêu lại vấn đề khi tái tranh cử hồi tháng 4/2022, nhưng liên minh cầm quyền mất thế đa số tại Hạ viện vào tháng 6 cùng năm.
Theo ông chủ Điện Elysee, cải cách hưu trí là cần thiết để giữ hệ thống bền vững hơn. Hội đồng Cố vấn Hưu trí Pháp ước tính hệ thống hưu trí Pháp thâm hụt thường niên khoảng 10 tỷ euro (10,73 tỷ USD) từ năm 2022 đến 2032.
"Đó là sự thất bại hoàn toàn của chính phủ", lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, đảng National Rally, nói. "Ngay từ đầu, chính phủ đã tự huyễn hoặc rằng họ có thế đa số tại Hạ viện".
Trong khi đó, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 2/3 người dân Pháp phản đối tăng tuổi hưu. "Khi Tổng thống không được quá bán đất nước, quá bán quốc hội ủng hộ, ông ấy phải thu hồi dự luật", Olivier Faure, lãnh đạo đảng Xã hội Pháp, nói.
Như Tâm (Theo CNBC, AP)