"Chúng ta đã quá quen với nền dân chủ mà quên rằng bảo vệ nó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Giờ đây, chúng ta đang đối diện tình cảnh thù trong giặc ngoài nhiều chưa từng thấy. Tôi cho rằng nền dân chủ của chúng ta đang gặp khủng hoảng", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu ngày 26/5 khi họp báo cùng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Berlin.
Ông Macron kêu gọi củng cố quan hệ song phương Pháp - Đức, đồng thời bày tỏ lo ngại trước làn sóng "ủng hộ chủ nghĩa toàn trị" đang lan rộng tại hai quốc gia thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU). Lãnh đạo Pháp kêu gọi cử tri hai nước tích cực tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào đầu tháng 6 nhằm "bảo vệ nền dân chủ".
"Tôi cho rằng châu Âu đang đối diện thời khắc sinh tử và thật sự lo ngại rằng châu Âu có thể lụi tàn", Tổng thống Pháp nói, lặp lại nhận định gây tranh cãi từng được ông đưa ra hồi tháng 4.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Phủ Tổng thống Đức ở Berlin vào ngày 26/5. Ảnh: AFP
Tổng thống Macron chỉ ra rằng "thù trong" với EU chính là những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đang trỗi dậy ở châu Âu, gây hoài nghi về nền dân chủ khu vực. Ông cáo buộc các chính trị gia và đảng phái cánh hữu đang tìm cách đánh lừa cử tri châu Âu với lập luận "cuộc sống tại châu Âu sẽ đơn giản hơn nếu các nước theo đuổi chủ nghĩa dân tộc".
Tổng thống Đức Steinmeier đồng tình với lãnh đạo Pháp và kêu gọi xây dựng "liên minh các nền dân chủ tại châu Âu". Ông cảnh báo tình hình chính trị EU trước thềm cuộc bầu cử nghị viện năm nay "khác xa cuộc bầu cử trước vì đã có nhiều biến động xảy ra".
"Chúng ta cần cùng nhau học cách tự vệ hiệu quả hơn trước mối đe dọa từ bên ngoài, đồng thời xây dựng xã hội chống chọi tốt hơn trước những đòn nội công ngoại kích", ông Steinmeier phát biểu tại tiệc chiêu đãi ông Macron.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Pháp đến Đức trong 24 năm qua, dù ông Macron đã có nhiều chuyến công du, làm việc ở nước láng giềng trong hai nhiệm kỳ.
Khoảng 400 triệu cử tri từ 27 nước EU sẽ bỏ phiếu ngày 6-9/6 để chọn ra 720 thành viên nghị viện châu Âu, những người sẽ quyết định mọi chính sách của khối. Cuộc bỏ phiếu cũng là phép thử về mức độ ủng hộ của châu Âu đối với những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu.
Khảo sát cử tri EU cho thấy liên minh chính trị theo trường phái trung dung của ông Macron đang thất thế trước các nhóm cánh hữu. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với chính trường Đức, khi ba đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đều thua kém đảng cực hữu AfD trong các cuộc thăm dò trước bầu cử.
Thanh Danh (Theo AFP, Le Figaro, RT)