Trong một tuần qua, các chuyên gia thuộc Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, liên tục hội chẩn 5 lần về các ca nặng liên quan Đà Nẵng. Đến chiều qua, lần thứ 5, các chuyên gia hội chẩn 7 bệnh nhân nặng.
Bảy bệnh nhân nặng này là 416, 418, 428, 431, 436, 437, 438. Ngoài ra còn một số bệnh nhân tiên lượng diễn biến nặng lên như 429, 426, 427, 430, 422, 433...
"Đợt dịch trước chúng ta vất vả với bệnh nhân 19, 91. Đợt này thực sự dịch diễn biến nhanh hơn, bệnh nhân nhiều bệnh nền nặng hơn, rất nhanh rơi vào tình trạng nguy kịch", ông Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, chiều 30/7.
Ví dụ "bệnh nhân 437", 61 tuổi, ở Đà Nẵng đang diễn biến nặng, phải thở ECMO, tiên lượng rất xấu. Trong một tuần, riêng ca này, các chuyên gia đã phải hội chẩn đến 5 lần.
Bệnh nhân này có nhiều bệnh nền: tăng huyết áp, gút, suy tim, từng bị phù phổi cấp, suy thận đã chạy thận hai năm nay. Bệnh nhân đã có những tổn thương nặng do phù phổi cấp, phải chạy ECMO và thở máy. Các thầy thuốc đang tập trung điều trị về đa kháng thuốc, lọc thận, chống nấm, chống đông máu và các biện pháp cận lâm sàng khác, theo dõi sát bệnh nhân từng giờ.
"Đây là bệnh nhân tiên lượng rất nặng, dè dặt, nặng nhất, nhiều bệnh nền nhất. Những ngày qua cố gắng cứu chữa, có nhiều lúc tưởng không qua khỏi", ông Khuê nói.
Ông Khuê cho biết để bệnh nhân "cầm cự" từ đầu đến giờ là nỗ lực cứu chữa không ngừng nghỉ của các thầy thuốc, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, với tâm niệm "không bỏ lại ai phía sau, cố gắng không để ai tử vong". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng đã trực tiếp ngồi hội chẩn trực tuyến cùng với các thầy thuốc ở các bệnh viện đầu cầu trên cả nước.
Theo ông Khuê, ngay khi bắt đầu phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng, hai bệnh nhân 416 và 418 đã chuyển nặng. Tiểu ban Điều trị đã kích hoạt ngay hệ thống hội chẩn từ xa và tổ chức hội chẩn điều trị ngay với các đầu cầu. Nhóm bác sĩ bệnh viện Chợ rẫy, trong đó có kíp đã điều trị cho "bệnh nhân 91", được điều đến Bệnh viện Đà nẵng, mang theo hệ thống ECMO để điều trị cho bệnh nhân ngay.
Bộ Y tế cũng thành lập ngay tổ công tác điều trị do Phó Cục trưởng Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa, đến Đà Nẵng để tổ chức cách ly, phân luồng khám bệnh, chữa bệnh.
"Không may, những ngày sau đó liên tục ghi nhận các ca nhiễm mới ở ba bệnh viện. Các bệnh nhân chủ yếu ở các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo, tim mạch, ở Bệnh viện Đà Nẵng", ông Khuê nói.
Ngành y tế đã phong tỏa toàn bộ ba bệnh viện và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Tổ chức khóa học tập huấn, đặc biệt chi viện cho các bệnh viện để điều trị bệnh nhân nặng.
Bộ Y tế liên tục chi viện thêm nhân lực và trang thiết bị cho Đà Nẵng và Quảng Nam, nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm cho Đà Nẵng. Đồng thời, các thầy thuốc giỏi của Chợ Rẫy, Nhiệt đới TP HCM, Bạch Mai về hồi sức tích cực, chi viện Đà Nẵng để vận hành máy móc, trang thiết bị. Các thuốc điều trị, thuốc kháng nấm, chống đông... được cung cấp đầy đủ.
Ông Khuê cho biết Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế Đà Nẵng tăng cường năng lực cho các bệnh viện để chia sẻ, giảm bớt bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng bằng cách chuyển xuống bệnh viện huyện. Bệnh viện Phổi nhận tất cả bệnh nhân diễn biến vừa và nhẹ, còn những bệnh nhân nặng được chỉ định chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
"Hiện đội cơ động phản ứng nhanh Bệnh viện Bạch Mai đang ở Quảng Nam, xây dựng toàn bộ đơn nguyên điều trị cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Tại đây cũng có một bệnh nhân chuyển biến nặng", ông Khuê nói.
Bệnh viện Trung ương Huế chuyển hết bệnh nhân từ cơ sở 2 sang cơ sở 1 để sẵn sàng đón những bệnh nhân Covid-19 nặng từ Đà Nẵng và các tỉnh lân cân nặng về. Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, bệnh viện cần trang bị các ECMO, máy thở, cần các thầy thuốc có kinh nghiệm, các chuyên khoa khác từ X-quang, hồi sức, siêu âm, dược lâm sàng, huyết học, miễn dịch, đến vi sinh, dinh dưỡng...
Tính đến sáng nay, Việt Nam ghi nhận 509 trong đó 369 người đã khỏi, còn 140 bệnh nhân đang điều trị. Riêng Đà Nẵng ghi nhận 79 ca.