Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/1 trong lúc Belarus đang tổ chức cuộc bầu cử tổng thống, ông Lukashenko cho biết tên lửa Oreshnik sẽ được triển khai "gần Smolensk". Đây là thành phố Nga nằm cách biên giới Belarus khoảng 60 km về phía đông. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng nó có thể được đặt ở vị trí khác sau này.
"Chúng ta sẽ sớm có Oreshnik, có thể là trong vòng vài ngày. Chúng tôi đã thỏa thuận với Tổng thống Vladimir Putin rằng hệ thống sắp tới sẽ được chuyển giao cho Belarus thậm chí còn sớm hơn so với Nga", ông nói.
Khi được yêu cầu xác nhận về mốc thời gian giao hàng, Tổng thống Lukashenko thừa nhận vẫn chưa có ngày chính xác được thống nhất. Ông cũng giải thích rằng việc lựa chọn vị trí triển khai cần dựa trên thông số kỹ thuật của tên lửa.
"Thật tệ khi mục tiêu của bạn ở rất gần. Nhưng ngay cả khi chúng ở rất xa, tên lửa có thể mang tải trọng nhỏ hơn", ông nói.
Tổng thống Lukashenko cho hay ông ban đầu nói Belarus muốn tiếp nhận ít nhất 10 hệ thống tên lửa Oreshnik, nhưng ông thừa nhận việc chuyển giao với quy mô như vậy là rất khó khăn vì lý do kinh tế, đặc biệt khi Nga cũng cần triển khai Oreshnik.
"Một Oreshnik là đủ để bảo vệ Belarus", ông nói thêm.
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik được Nga lần đầu sử dụng trong cuộc tập kích thành phố Dnipro, miền trung Ukraine, ngày 21/11/2024. Động thái nhằm đáp trả vụ Ukraine phóng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do phương Tây cung cấp nhằm vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Giới chức Nga tuyên bố Oreshnik đạt tốc độ gấp hơn 10 lần âm thanh, tương đương gần 11.000 km/h. Ngoài tốc độ cao, quả đạn còn ứng dụng công nghệ phương tiện hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), cho phép mỗi tên lửa mang tới 36 đầu đạn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định không hệ thống phòng không nào của phương Tây có thể chặn được Oreshnik. Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky hôm 19/1 cũng thừa nhận nước này chưa sở hữu vũ khí chặn được tên lửa này.
Vũ Hoàng (Theo RT, AFP, Reuters)