Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh thu đạt hơn 26.700 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi gộp giảm 25%, từ 3.678 tỷ xuống còn 2.752 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 791 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả này cũng khả quan hơn nhiều mức lỗ ròng gần 1.900 tỷ đồng trong quý I.
Việc giá dầu tăng trở lại trong quý II giúp các "đại gia" xăng dầu như Petrolimex hay PVOil gỡ gạc phần nào số lỗ đậm 3 tháng đầu năm. Song, theo ông Nguyễn Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Petrolimex, số lãi này chưa thấm vào đâu so với con số giảm đột ngột và sâu của quý I.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu của Petrolimex giảm còn 65.200 tỷ đồng, mất gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn này ghi nhận khoản lỗ trước thuế trong nửa đầu năm 911 tỷ đồng.
Trấn an các cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hồi cuối tháng 6, lãnh đạo Petrolimex nói sẽ tận dụng hệ sinh thái, nguồn lực để đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Theo đó, năm nay Petrolimex đặt mục tiêu lãi 1.570 tỷ đồng.
Tương tự, một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác đang chiếm khoảng 30% thị phần - Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng báo lãi trở lại trong quý II, sau khi lỗ lớn trong quý I.
Theo báo cáo tài chính, PVOil ghi nhận doanh thu thuần hơn 11.650 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Lãi gộp trong kỳ đạt 781 tỷ, giảm 18% so với cùng kỳ 2019. Nhờ tiết giảm các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tài chính, cộng với khoản lãi gần 379 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết... nên lợi nhuận thuần quý II đạt gần 270 tỷ đồng.
Tính chung quý II, PVOil lãi ròng 183 tỷ đồng, nhưng do mức lỗ quý I khá lớn, nên luỹ kế 6 tháng đầu năm doanh nghiệp có thị phần xăng dầu lớn thứ hai cả nước vẫn lỗ xấp xỉ 355 tỷ đồng.
Có lãi trở lại trong quý II song hợp nhất nửa đầu năm PVOil vẫn lỗ, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, lãi hợp nhất giảm 21% do ảnh hưởng biến động giá xăng dầu thế giới và tác động của Covid-19 trong tháng 4, khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối gặp nhiều khó khăn.
Trong khi khối doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có lãi trở lại trong quý II, ở phía doanh nghiệp sản xuất như Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) tình hình vẫn chưa khả quan. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của BSR cho thấy, doanh thu giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, xấp xỉ 13.740 tỷ đồng. Tiết giảm mạnh các chi phí hoạt động, quản lý song BSR vẫn lỗ sau thuế 1.898 tỷ đồng trong quý 2.
Với dữ liệu này, nửa đầu năm nay BSR báo lỗ ròng hơn 4.255 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 4.234 tỷ.
BSR cho biết, tháng 4 và 5 ghi nhận lỗ do khủng hoảng giá dầu cộng với Covid-19 bùng phát khiến hàng tồn kho tăng trở lại. Sang tháng 6, tình hình kinh doanh đã khởi sắc hơn, nên doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi vào nửa cuối năm.
Lên kế hoạch cho năm 2020, BSR dự kiến sản lượng đạt 5,56 triệu tấn, doanh thu 80.685 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.185 tỷ đồng - giảm gần 60% so với thực hiện năm 2019. Song, đây là kịch bản kinh doanh với giả định giá dầu ở mức 60 USD một thùng.