Theo dự thảo Nghị định 83 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ, công thức tính giá cơ sở xăng dầu có sự thay đổi.
Khác với quy định hiện hành công thức tính giá cơ sở chỉ tính tới giá CIF nhập khẩu xăng dầu, thì tại dự thảo mới sửa đổi lần này, giá cơ sở xăng dầu gồm cả giá nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Giá cơ sở xăng dầu = Giá nhập khẩu x Tỷ lệ sản lượng nhập khẩu + Giá sản xuất trong nước x Tỷ lệ nhập khẩu |
Việc tính tới giá, tỷ trọng xăng dầu sản xuất trong nước trong công thức tính giá, theo Bộ Công Thương là hợp lý khi Việt Nam hiện có 2 nhà máy lọc dầu, chiếm 70-80% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng giá xăng dầu thế giới + chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam + chi phí kinh doanh định mức tối đa + mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu + lợi nhuận định mức + các khoản thuế, phí và trích nộp khác theo quy định.
Còn với giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án tính toán.
Phương án 1, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng giá thế giới cộng hoặc trừ Premium (nếu có) cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá... theo quy định.
Trong đó, Premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng. Khoản chênh lệch này do Bộ Tài chính xác định, không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước nhân với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất.
Phương án 2, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước là giá bán xăng dầu bình quân của các nhà máy lọc dầu cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá... theo quy định.
So sánh 2 phương án, Bộ Công Thương cho rằng phương án 1 thuận lợi hơn cho công tác quản lý, điều hành, không phát sinh thủ tục kê khai giá bán của doanh nghiệp. Phương án này cũng được đánh giá là ít nhược điểm hơn, song lại chưa phản ánh đúng thực tế mua bán xăng dầu từ nguồn trong nước khi nguồn nguyên liệu dầu thô sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn vẫn nhập và tính theo theo giá thế giới.
Với phương án 2, Bộ này thấy giúp giá cơ sở tiệm cận thị trường khi nguồn trong nước đã bảo đảm được 70-80%. Nếu thuận lợi thì giá trong nước sẽ được doanh nghiệp tính trên cơ sở giá Platt's Singapore cộng phụ phí, đảm bảo luôn tương đương hàng nhập khẩu.
Song, Bộ Công Thương cũng lo ngại việc các doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thỏa thuận để tăng giá bán bằng cách điều chỉnh tăng khoản phụ phí. Khi đó, giá cơ sở là mức giá để cơ quan quản lý điều hành giá bán lẻ sẽ không theo diễn biến giá thế giới và chắc chắn sẽ tăng cao so với hiện hành khoảng 5%, gây thiệt cho người tiêu dùng.
Sau những phân tích, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét lựa chọn phương án 1, với giá xăng dầu trong nước tính dựa trên giá thế giới.
"Phương án nào cũng có ưu, nhược điểm song tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước theo phương án 1 sát thực tế và thông lệ mua bán xăng dầu trên thế giới, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đại diện ban soạn thảo, bình luận.
Dù cách tính giá cơ sở xăng dầu mới được đưa ra với điểm mới là tính tới tỷ trọng giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, nhìn tỷ trọng các loại thuế, phí được tính trong công thức giá, một chuyên gia xăng dầu cho rằng, tỷ trọng thuế phí không giảm mà vẫn cao. Ngoài ra, với công thức tính giá này, giá xăng dầu phải chịu 2 lần thuế, phí khi tính riêng giá nhập khẩu và giá trong nước. "Thuế, phí cao, giá bán lẻ cuối cùng tới tay người tiêu dùng vẫn chênh nhiều so với giá thực thế giới", ông bình luận.
Hiện theo công thức tính giá cơ sở Nghị định 83/2014, tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng 64-68% tùy loại. Về điểm này, đại diện Vụ Thị trường trong nước thừa nhận, tỷ trọng thuế phí trong mỗi lít xăng dầu không thay đổi so với trước, bởi ban soạn thảo "phải tính tới việc đảm bảo nguồn thu ngân sách".
Kỳ Duyên