-
16h50
Viện trưởng Lê Minh Trí 'nắm vững thực trạng ngành, trả lời rõ ràng'
Kết luận phiên chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói có 24 đại biểu chất vấn, 4 người tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra thẳng thắn, sôi nổi, tập trung và các nhóm vấn đề được đưa ra.
Đại biểu đã nghiên cứu kỹ tài liệu và bám sát nội dung cử tri, người dân quan tâm. Viện trưởng "nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực, trả lời cơ bản rõ ràng; nhìn nhận hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào xây dựng thể chế; nghiệp vụ, chuyên môn; tổ chức cán bộ".
-
16h45
Giám định án hình sự kinh tế, tham nhũng 'còn né tránh, đùn đẩy'
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết qua theo dõi công tác giám định các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng chức vụ thời gian qua, bà thấy có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ trong giám định hoặc kết luận giám định còn chung chung, không rõ ràng gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát hoạt động giám định tư pháp. Vì vậy, đại biểu Thuỷ đề nghị Viện trưởng cho biết những giải pháp đã và sẽ triển khai để kịp thời phát hiện vi phạm thiếu sót trong công tác giám định?
Viện trưởng Lê Minh Trí trả lời, tình trạng này có thật và phổ biến, nhưng để giải quyết thì có khó khăn. Nguyên nhân là các vụ án liên quan lĩnh vực y tế thì phải trưng cầu Bộ Y tế giám định tài sản, hoặc một số bộ ngành tham gia giám định thì không cử người hoặc chậm. Các vụ án trọng điểm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, được chỉ đạo hàng ngày, hàng tháng nhưng vẫn chậm.
"Thời gian qua, nhiều án kéo dài vì chờ kết quả giám định, nhưng đây là vấn đề khó cần nhìn dưới nhiều góc độ chứ không phải lỗi của một cơ quan nào cả", ông Trí chia sẻ.
-
16h35
Sớm đưa phòng giám định hình sự VKSND tối cao vào hoạt động
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho biết, điều tra là khâu quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự. Thực tiễn cho thấy cơ quan điều tra Viện kiểm sát đã rất nỗ lực và thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, với mô hình tổ chức, số lượng, chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng điều tra viên như hiện nay, "liệu hoạt động điều tra, kiểm sát có đáp ứng được yêu cầu khi đối tượng điều tra, người phạm tội là cán bộ tư pháp - những người có chuyên môn, nghiệp vụ rất cao?"
"Đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao nêu rõ quan điểm và giải pháp để giải quyết bất cập nêu trên?", bà Lam đặt câu hỏi.
Ông Trí cho biết các điều tra viên đã có nhiều nỗ lực, những án quan trọng đều đạt, nhưng kết quả chưa ổn định. Do người phạm tội có kiến thức, kinh nghiệm, là đồng môn, đồng nghiệp nên VKSND Tối cao đã tập trung đào tạo nâng cao trình độ ngắn hạn và dài hạn cho các điều tra viên. Bên cạnh đó, VKSND Tối cao cũng sẽ sớm đưa phòng giám định hình sự của Viện đi vào hoạt động, phục vụ giám định âm thanh, hình ảnh để hỗ trợ điều tra.
Vai trò người đứng đầu cũng sẽ được phát huy. "Trong 7 năm tôi làm Viện trưởng đã thay ba thủ trưởng cơ quan điều tra VKSND Tối cao, sắp tới có thay không chưa biết. Quốc hội đòi hỏi cao, anh em làm chưa tới thì phải cho nghỉ", ông Trí nhấn mạnh.
-
16h30
Sửa đổi thông tư, nghị định, luật để ngăn chặn tham nhũng
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu rõ Tổng bí thư nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Ngoài Viện trưởng VKSND Tối cao, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết đã có những chỉ đạo và biện pháp nào để thực hiện nhiệm vụ này?
Đại tướng Tô Lâm nói đây là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm. Ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng của công an là xác định sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục, góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng.
Qua một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị về khắc phục sơ hở, thiếu sót trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, giáo dục. "Mục tiêu là một vụ việc cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, làm sao cho đối tượng tham nhũng phải bị xử lý và những người đang có kiểu cách làm việc tương tự phải chấm dứt, khắc phục hậu quả nếu không sẽ bị xử lý", ông Tô Lâm nói.
Về mặt quản lý Nhà nước, ông cho rằng phải rà soát các quy định, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh những sơ hở từ thông tư nghị định, pháp lệnh cho đến luật.
-
16h20
Vì sao sinh viên kiểm sát được ưu tiên tuyển vào ngành?
Đặt câu hỏi chất vấn trong phiên làm việc sáng, đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn Thanh Hoá) cho biết qua theo dõi việc tuyển dụng thư ký viên tòa án năm 2022, ông thấy tòa án có đặt ra tiêu chuẩn phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử. Để được cấp chứng chỉ này, các sinh viên tốt nghiệp các trường luật khác ngoài Học viện Tòa án thì sẽ phải mất 18 tháng để học ở Học viện Tòa án hoặc Học viện Tư pháp.
Ông đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết việc đặt ra chỉ tiêu này liệu có làm hẹp đi nguồn tuyển dụng đối với các cử nhân xuất sắc ở các trường luật uy tín khác để tuyển dụng vào vị trí là thư ký tòa án hay không, và tiêu chí này có thực sự cần thiết không?
Ông Linh cũng gửi câu hỏi này tới Viện trưởng VKSND Tối cao vì năm 2023, VKSND Tối cao thông báo tuyển dụng cũng đặt ra chỉ tiêu là được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát để làm tiêu chí tuyển dụng công chức.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đây là quy định của luật, Tòa án phải chấp hành để nâng cao chất lượng xét xử. Người nào muốn làm Tòa thì phải có nghiệp vụ xét xử, phải hiểu biết, được đào tạo vì việc này quyết định đến quyền lợi, thậm chí là sinh mạng của con người cho nên Quốc hội yêu cầu tiêu chuẩn rất cao.
"Bây giờ bảo là không cần phải qua đào tạo này thì có được hay không? Tôi nghĩ là không được", ông Bình nói và cho rằng việc này không phải chỉ có Tòa án mà điều tra viên muốn làm điều tra thì phải qua nghiệp vụ điều tra, kiểm sát viên muốn làm kiểm sát thì cũng phải qua nghiệp vụ kiểm sát và thậm chí luật sư muốn làm luật sư thì ông phải có kiến thức về luật sư.
"Với các cháu học rất giỏi ở các trường đại học khác thì ngành tòa án cũng như tất cả các ngành khác có cơ chế tuyển dụng nhân tài. Những cháu được giải quốc gia, quốc tế, thủ khoa học rất xuất sắc ở các trường thì chúng tôi tuyển thẳng", ông Bình nói, cho biết việc đào tạo nghiệp vụ xét xử sẽ thực hiện sau.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí thì cho hay, do việc giảm biên chế nên Đại học Kiểm sát ba năm liền sinh viên tốt nghiệp không giải quyết được việc làm. VKS không có biên chế để thi. "Vừa rồi chúng tôi may mắn được cấp có thẩm quyền cho phép giữ lại 10% chỉ tiêu, bằng số giảm thì mới tổ chức thi được", ông Trí nói.
Ông cho rằng sinh viên Đại học Kiểm sát tốt nghiệp xuất sắc được ưu tiên là hợp lý. Sinh viên các trường khác học giỏi, đạt thành tích cũng vẫn được nhận vào ngành nhưng cần học thêm chứng chỉ ngành kiểm sát. "Những nghề càng đặc thù càng phải học. Tôi làm Viện trưởng cũng phải học liên tục, học ngay trong công việc", ông Trí nói.
-
16h05
Đại học Kiểm sát sẽ mở chuyên khoa điều tra
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) chất vấn, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền rất quan trọng trong điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ, xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan tư pháp.
Thời gian qua mặc dù đạt được nhiều kết quả rất tích cực, tuy nhiên tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm do cơ quan này giải quyết chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao. Thực trạng phát hiện, khởi tố, điều tra, khám phá các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp chưa tương xứng với tình hình thực tế đã xảy ra. Vì vậy, ông Cường đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá về thực trạng này, những cái khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục?
Ông Lê Minh Trí cho biết cán bộ, công chức thuộc cơ quan tư pháp là những người có kiến thức nên khả năng đối phó rất cao. Khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao được yêu cầu giữ gìn phẩm chất, đạo đức bởi lĩnh vực này đặc thù, nếu không giữ gìn sẽ trả giá rất đắt; quá trình điều tra phải tuân thủ quy định vì sơ sẩy là sẽ bị kiện. VKS cũng không chạy theo số lượng mà chỉ tập trung điều tra vụ án trọng điểm.
"Tôi quyết định sẽ để Đại học Kiểm sát mở chuyên khoa đào tạo điều tra, chứ hiện nay việc đào tạo đầu vào đang hạn chế, mà công việc lại đi điều tra đồng nghiệp, các bậc anh chị nên rất khó khăn", ông Trí cho hay.
Ông Trí cho biết chỉ tiêu Quốc hội giao về giải quyết tin báo tố giác tội phạm trong 6 năm qua có ba năm vượt, ba năm không đạt dù tỷ lệ chênh lệch không cao. "Tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm không đạt dù anh em có nỗ lực rất lớn vì cơ quan điều tra viện kiểm sát tối cao địa bàn hoạt động cả nước nhưng chỉ có một cấp", ông nói. Nhiều trường hợp khiếu nại thủ tục hành chính không được hoặc khởi kiện nhưng thua kiện, bản án không đúng ý thì họ sẽ tố giác luôn, nên số lượng đơn rất lớn, trong khi chỉ có một cấp nên xử lý rất khó khăn.
-
16h00
Có trường hợp trả hồ sơ được khen
Tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) băn khoăn khi báo cáo nêu một trong những tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành là do Toà án trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới. Nguyên nhân là do ý thức trách nhiệm chưa cao, nóng vội, thiếu thận trọng của kiểm sát viên.
"Tuy nhiên, phần trả lời của Viện trưởng lại nêu việc trả hồ sơ không phải là hạn chế. Đây có phải sự không thống nhất và giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới là gì?", bà chất vấn.
Viện trưởng Lê Minh Trí nói trả hồ sơ có mặt tích cực để chống oan sai, chống lọt tội phạm; nhưng cũng có thể bị lạm dụng. Do đó khi trả hồ sơ, Viện sẽ cho đánh giá, kiểm điểm, trường hợp thiếu năng lực, trách nhiệm, nóng vội và không đúng quy trình pháp luật, bản án thì cán bộ liên quan bị kỷ luật từ khiển trách cho đến buộc thôi việc.
"Ở đây không có mâu thuẫn, không phải cứ trả hồ sơ là kỷ luật. Trả nhưng chúng tôi xem xét cụ thể từng trường hợp. Thậm chí, có trường hợp trả là được khen", ông Trí nói.
-
15h15
Án dân sự tăng, số lượng kiểm sát viên chưa đáp ứng
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước), tranh chấp dân sự tăng về số lượng, tính chất phức tạp, liên quan nhiều người như ly hôn yếu tố nước ngoài, tranh chấp nhà ở, vay nợ dưới hình thức làm giả hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất. Số lượng tòa sơ thẩm, phúc thẩm đòi hỏi có sự tham gia của kiểm sát viên ngày càng nhiều, trong khi số lượng chưa đáp ứng, gây ảnh hưởng tiến độ và chất lượng xử lý án dân sự. "Viện trưởng có giải pháp nào?", bà đặt câu hỏi.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết gần đây nhiều tranh chấp dân sự phát sinh, các phiên tòa tăng đột biến trong khi biên chế không tăng. Do đó, chất lượng đội ngũ kiểm sát viên cần được nâng cấp. Một kiểm sát viên phải giỏi một hai lĩnh vực và biết nhiều lĩnh vực để khi đồng nghiệp vắng mặt thì có thể hỗ trợ. Kiểm sát viên trong những lĩnh vực khó sẽ được đào tạo chuyên đề.
Công nghệ thông tin cũng sẽ được ứng dụng để giảm bớt lao động chân tay. "Nếu được tăng biên chế thì chúng tôi mừng quá, nhưng chưa dám xin thêm", ông Trí nói.
-
15h10
Việc bảo lãnh phải thực hiện chặt chẽ theo quy trình
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng việc thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền cần phải căn cứ theo quy định pháp luật, nhưng "trong thực tế vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng". Đại biểu đề nghị Viện trưởng đánh giá việc áp dụng các biện pháp này trong thời gian qua.
Ông Lê Minh Trí thông tin, theo quy định của pháp luật, biện pháp bảo lãnh đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam, với những điều kiện chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, điều kiện, xác nhận của chính quyền cấp xã trở lên. Căn cứ quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng cần thận trọng, khách quan trong xem xét, quyết định việc áp dụng hình thức bảo lãnh hoặc đặt tiền để đảm bảo đúng quy định.
"Với các trường hợp thực hiện bảo lãnh nhưng sau đó đối tượng bỏ trốn hoặc phạm tội khác, cần lưu ý làm rõ quy trình xem xét, quyết định, thực hiện có đúng quy định của pháp luật không. Sau khi xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý theo quy định", ông Trí nói.
-
15h05
Không hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói vẫn xảy ra tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung khi cơ quan điều tra chuyển hồ sơ đề nghị truy tố. "Điều này không thể không nhắc tới trách nhiệm của kiểm sát viên trong quá trình điều tra. Viện trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này", bà Nga hỏi.
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là chế định tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bản thân chế định này không có yếu tố tích cực hay hạn chế mà là biện pháp đảm bảo không để oan sai và bỏ lọt tội phạm.
"Trong các giai đoạn tố tụng, cơ quan chức năng thu thập chứng cứ, xác minh điều tra thấy rằng có yếu tố làm lọt tội phạm hoặc oan sai thì trả hồ sơ để làm rõ. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chế định này cũng có thể bị lạm dụng", ông Trí thừa nhận.
Viện trưởng cho biết, thời gian qua ngành kiểm sát đưa ra tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan là không quá 5%, giao cho đơn vị theo dõi định kỳ. Các vụ án lớn Trung ương theo dõi, được đưa ra truy tố xét xử vừa rồi đều trả hồ sơ điều tra bổ sung vì có nội dung phức tạp. "Đại biểu không cần phải quá lo lắng đối với việc trả hồ sơ này. Nếu phát hiện có dấu hiệu của lạm dụng, chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật, song tinh thần không coi biện pháp này là hạn chế", ông Trí nói.