Chiều 20/3, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến ngành kiểm sát. 24 đại biểu chất vấn và 4 người tranh luận với phần trả lời của ông Trí.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nói Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng. Bà đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Công an cho biết biện pháp thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư.
Đại biểu Hoa cũng nêu thực trạng thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm có tính đột phá và không vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật. "Đề nghị Viện trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", bà Hoa chất vấn.
Viện trưởng Lê Minh Trí nói tồn tại trong hệ thống tư pháp có nhiều nguyên nhân, như văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; người thực hiện quy định pháp luật, cơ quan tư pháp còn nhận thức khác nhau. Ví dụ, về vấn đề đấu giá đất, Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản thì không.
Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, ông Trí kiến nghị bịt các lỗ hổng trong quy định đã bị lợi dụng; đồng thời có lộ trình hạn chế tiền mặt, bắt buộc thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát. "Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập dẫn đến tham nhũng, tiêu cực", ông Trí nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm là chủ trương xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, hai yêu cầu này có mâu thuẫn trong thực tế vì đấu tranh mạnh mẽ không để lọt tội phạm dễ dẫn đến oan sai. "Chống oan sai và chống lọt rất khó khăn, là thách thức rất lớn đối với cơ quan tố tụng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ", ông Trí nói.
Vì vậy, Viện trưởng VKSND Tối cao đã xây dựng chuyên đề riêng về chống oan sai, chống lọt tội phạm để đưa ra các giải pháp cụ thể. Về nghiệp vụ, ông yêu cầu kiểm sát viên phải gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu; tập trung làm tốt thụ lý tin báo tố giác, hạn chế để lọt tội phạm. Kiểm sát viên phải thu thập chứng cứ, điều tra theo hai hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền của người bị buộc tội; trọng chứng hơn trọng cung; không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đó.
Ông Trí ủng hộ chủ trương chống tham nhũng, xử lý nghiêm người cầm đầu, chủ mưu, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông nói thực tiễn các vụ án cho thấy có trường hợp thực hiện mệnh lệnh cấp trên, tham mưu không chính xác, đầy đủ và cấp trên không kiểm soát được công việc nên ra quyết định rủi ro. Các trường hợp chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, thấy sai đã sửa, giúp cơ quan chức năng điều tra thì cần được miễn, giảm, tha, nhưng luật hiện hành đang vướng.
"Trong giai đoạn đất nước phát triển, khối lượng công việc lớn, kiểm soát khó khăn, nhiều người vi phạm nhưng không có mục đích vụ lợi", ông nói và đề nghị rà soát, sửa điều luật cụ thể về việc xử lý hình sự các trường hợp này.
Theo ông, vụ Việt Á vừa qua đã được nghiên cứu đề nghị cấp có thẩm quyền phân hóa các trường hợp cần xử lý, trong đó có vi phạm phải xử lý nghiêm, có vi phạm xử lý đảng, có loại xử lý hành chính.
Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết từng kiến nghị với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi ông còn làm Thường trực Ban Bí thư rằng Đảng có Quy định 69 nêu rõ khi chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà sai thì không kỷ luật. Ông Trí đề nghị cụ thể hóa nội dung này bằng các quy định của pháp luật.
"Đây là việc lớn, cần có sự đồng bộ để các cơ quan cùng điều chỉnh điều luật cụ thể, như quy định gây thiệt hại 100 triệu đồng bị xử lý hình sự đến nay đã không còn phù hợp", ông Trí nói và đề nghị cần giảm phạt tù, tăng phạt tiền. Luật Đất đai đang được nghiên cứu sửa đổi vì có nhiều bất cập. Do đó, "cái nào cần nghiêm cần xử lý nghiêm, cái nào cần nhân văn thì nhân văn để giữ ổn định phát triển".
Tham gia giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói phòng chống tham nhũng là vấn đề Bộ rất quan tâm. Ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng của công an là xác định sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội để kiến nghị khắc phục, góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng.
Qua một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị về khắc phục sơ hở, thiếu sót trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, giáo dục. "Mục tiêu là một vụ việc cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, làm sao cho đối tượng tham nhũng phải bị xử lý và những người đang có kiểu cách làm việc tương tự phải chấm dứt, khắc phục hậu quả, nếu không sẽ bị xử lý", ông Tô Lâm nói.
Về mặt quản lý Nhà nước, ông cho rằng phải rà soát các quy định, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh những sơ hở từ thông tư nghị định, pháp lệnh cho đến luật.
Liên quan đến tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói "không thể không nhắc tới trách nhiệm của kiểm sát viên trong quá trình điều tra". Bà đề nghị Viện trưởng nêu giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là chế định tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bản thân chế định này không có yếu tố tích cực hay hạn chế mà là biện pháp đảm bảo không để oan sai và bỏ lọt tội phạm.
"Trong các giai đoạn tố tụng, cơ quan chức năng thu thập chứng cứ, xác minh, điều tra, thấy rằng có yếu tố làm lọt tội phạm hoặc oan sai thì trả hồ sơ để làm rõ. Tuy nhiên, nếu chế định này không được kiểm soát cũng có thể bị lạm dụng", ông Trí thừa nhận.
Viện trưởng cho biết, thời gian qua ngành kiểm sát đưa ra tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan là không quá 5%, giao cho đơn vị theo dõi định kỳ. Các vụ án lớn Trung ương theo dõi được đưa ra truy tố xét xử vừa rồi đều trả hồ sơ điều tra bổ sung vì có nội dung phức tạp. "Đại biểu không phải quá lo lắng đối với việc trả hồ sơ này. Nếu phát hiện có dấu hiệu lạm dụng, chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật, song tinh thần không coi biện pháp này là hạn chế", ông Trí nói.
Tiếp tục tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn khi báo cáo nêu một trong những tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành là Tòa án là trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới. Nguyên nhân là ý thức trách nhiệm chưa cao, nóng vội, thiếu thận trọng của kiểm sát viên.
"Tuy nhiên, phần trả lời của Viện trưởng lại nêu việc trả hồ sơ không phải là hạn chế. Đây có phải sự không thống nhất? Giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới là gì?", bà chất vấn.
Viện trưởng Lê Minh Trí nói khi trả hồ sơ, Viện sẽ đánh giá, kiểm điểm, trường hợp thiếu năng lực, trách nhiệm, nóng vội và không đúng quy trình pháp luật, bản án thì cán bộ liên quan bị kỷ luật từ khiển trách cho đến buộc thôi việc. "Ở đây không có mâu thuẫn, không phải cứ trả hồ sơ là kỷ luật. Trả nhưng chúng tôi xem xét cụ thể từng trường hợp. Thậm chí, có trường hợp trả là được khen", ông Trí nói.
Liên quan đến chất lượng hoạt động tố tụng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) chất vấn, Cơ quan điều tra, VKSND Tối cao có thẩm quyền rất quan trọng trong điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ; xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan tư pháp. Ông Cường đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá về thực trạng này, khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục.
Ông Lê Minh Trí cho biết cán bộ, công chức thuộc cơ quan tư pháp là những người có kiến thức nên khả năng đối phó rất cao. Khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ cơ quan điều tra VKSND Tối cao được yêu cầu giữ gìn phẩm chất, đạo đức bởi lĩnh vực này đặc thù, nếu không giữ gìn sẽ trả giá rất đắt; quá trình điều tra phải tuân thủ quy định vì sơ sẩy là sẽ bị kiện.
"Tôi quyết định sẽ để Đại học Kiểm sát mở chuyên khoa đào tạo điều tra, chứ hiện nay việc đào tạo đầu vào đang hạn chế, mà công việc lại đi điều tra đồng nghiệp, các bậc anh chị nên rất khó khăn", ông Trí cho hay.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước), tranh chấp dân sự tăng về số lượng, tính chất phức tạp, liên quan nhiều người như ly hôn yếu tố nước ngoài, nhà ở, vay nợ dưới hình thức làm giả hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất. Số lượng tòa sơ thẩm, phúc thẩm đòi hỏi có sự tham gia của kiểm sát viên ngày càng nhiều, trong khi số lượng chưa đáp ứng, gây ảnh hưởng tiến độ và chất lượng xử lý án dân sự. "Viện trưởng có giải pháp nào?", bà đặt câu hỏi.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết gần đây nhiều tranh chấp dân sự phát sinh, các phiên tòa tăng đột biến trong khi biên chế không tăng. Do đó, chất lượng đội ngũ kiểm sát viên cần được nâng cấp. Một kiểm sát viên phải giỏi một hai lĩnh vực và biết nhiều lĩnh vực để khi đồng nghiệp vắng mặt thì có thể hỗ trợ. Kiểm sát viên trong những lĩnh vực khó sẽ được đào tạo chuyên đề. Công nghệ thông tin cũng sẽ được ứng dụng để giảm bớt lao động chân tay. "Nếu được tăng biên chế thì chúng tôi mừng quá, nhưng chưa dám xin thêm", ông Trí nói.
Xem diễn biến chính