Trước khi Chính phủ quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay trung và dài hạn cho các hoạt động đầu tư mới để phát triển sản xuất kinh doanh, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (do ông Lê Đức Thúy làm Chủ tịch) đã kiến nghị nên hỗ trợ tất cả các khoản vay đầu tư kinh doanh từ nay đến hết 2010. Ông cũng dự báo kinh tế Việt Nam năm nay khó tăng trưởng trên 5%.
- Ông nhận xét như thế nào về gói kích thích kinh tế thứ hai do Chính phủ vừa công bố?
- Nếu gói kích cầu thứ nhất mới giới hạn ở các đối tượng vay vốn lưu động trong ngắn hạn để sản xuất kinh doanh thì gói thứ hai tập trung nhiều hơn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng. Thời gian hỗ trợ cũng dài hơn hơn, trong vòng 2 năm. Đã nói tới kích thích kinh tế, nếu không kích cầu đầu tư sẽ khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn.
Gói kích cầu đầu tư này do các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ, và đã được thống nhất về chủ trương. Cách thức triển khai cũng đã rõ ràng và có thể tiếp thu kinh nghiệm từ gói thứ nhất. Song các giải pháp cụ thể còn phải chờ thiết kế của bộ, ngành có liên quan, để xem những đối tượng nào được hưởng ưu đãi cũng như các quy định có liên quan.
- Ông tiên liệu đến bao giờ các gói kích thích kinh tế bắt đầu phát huy tác dụng?
- Bắt đầu có kết quả rồi đấy chứ, nếu ta nhìn vào tình hình kinh tế quý I. Tháng 1 tình hình rất khó khăn, xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đều sụt giảm, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp. Nhưng tới tháng 2 và tháng 3 tình hình bắt đầu tốt lên. Tăng trưởng công nghiệp trong tháng 2 đã có sự chuyển biến khá so với bình quân của năm 2008, tiêu thụ trên thị trường nội địa cũng khởi sắc, hoạt động mua bán trên thị trường bất động sản cũng không phải là quá vắng vẻ. Số người mất việc làm không tăng lên. Kết quả có thể phản ánh rõ nét hơn trong quý II, chúng ta sẽ chờ xem.
- Gần đây có nhiều nhận định Việt Nam sẽ thoát khủng hoảng ngay cuối năm nay. Quan điểm của ông thế nào?
- Thực tế Việt Nam không lâm vào khủng hoảng, mà chỉ là suy giảm kinh tế. Có thể nói quý I đã là điểm đáy, sau đó sẽ nhúc nhích đi lên. Chính phủ đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5%, quý I là 3,1% thì các quý sau khó lòng thấp hơn thế.
- Cuối tháng 2, phát biểu trên báo chí, ông vẫn rất thận trọng khi nhận định tình hình kinh tế đến cuối năm, nhưng nay đã theo chiều hướng tích cực hơn. Lý do nào khiến ông có thể lạc quan hơn trước, ngoài những số liệu thống kê trong nước?
- Thế giới đang chuyển biến tích cực. Các đánh giá tiêu cực kiểu như khủng hoảng chưa thấy đáy, hay khủng hoảng hiện nay tệ hại nhất trong nhiều tập kỷ qua... gần đây không còn thấy xuất hiện. Giờ đây kể cả chính quyền tổng thống Mỹ, cùng đội ngũ cố vấn của ông Obama đều đã lạc quan hơn trước. Thực tế các chỉ số kinh tế Mỹ bắt đầu tích cực hơn, doanh số bán nhà mới xây tăng, chứng khoán đi lên trong đó cổ phiếu ngân hàng đang tăng giá trở lại.
Như vậy đang có dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng phục hồi. Tín hiệu này mạnh nhất ở Mỹ, ở EU và các nước khác nhẹ hơn, song cũng có thể tác động tới các khu vực còn lại trên thế giới. Trung Quốc cũng đang chứng tỏ nỗ lực phục hồi ngay năm nay.
Đón nhận những tín hiệu tích cực đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã tăng mạnh trong những phiên gần đây.
- Nhưng có ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán trong nước tăng mạnh do giới đầu tư đón đầu thông tin Chính phủ công bố gói kích thích kinh tế thứ hai, chứ không phải niềm tin vào khả năng phục hồi trong dài hạn?
- Kế hoạch hỗ trợ lãi suất thứ hai được thông qua trong vài ngày gần đây. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 3, Thủ tướng đã kết luận về vấn đề này, sau khi có sự tham mưu của các bộ ngành. Có thể thông tin này đã tạo hiệu ứng tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán. Song sự kỳ vọng của giới đầu tư còn bắt nguồn từ những thông tin, nhận định, đánh giá tích cực thời gian gần đây của Chính phủ cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước.
- Tạp chí The Economist mới đây có bài phân tích trong đó cho rằng Việt Nam quá lạc quan về tình hình kinh tế. Cơ quan này thậm chí còn dự báo Việt Nam chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm nay. Ông nói gì về những nhận định này?
- Đúng là dự báo của mình hơi lạc quan, khi đề ra chỉ tiêu tăng trưởng năm nay phải bằng năm ngoái. Trong báo cáo gần đây nhất, mình còn đề xuất ở mức 6,2%. Nay Chính phủ đã nhìn nhận khả năng đó không hiện thực và điều chỉnh lại. Thực tế không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới đều phải thường xuyên cập nhật tình hình và điều chỉnh các chỉ tiêu cho phù hợp. Các tổ chức uy tín như World Bank, ADB hay IMF cũng làm như vậy.
Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của The Economist lại không hiện thực theo hướng quá bi quan về tình hình kinh tế Việt Nam. Họ chỉ căn cứ vào các tác động bên ngoài, tức là suy giảm xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà không xét tới các yếu tố nội tại của nền kinh tế. Ngoài những dấu hiệu tích cực từ lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp cũng góp phần quan trọng vào GDP. Hiện nông nghiệp chiếm 20% GDP của Việt Nam và năm nay có thể đóng góp khoảng 0,5-0,6% vào tốc độ tăng trưởng chung.
Dự báo của ngân hàng Standard Charted hay World Bank, IMF và ADB gần đây đều dao động trong khoảng 4,5-5,5%. Mục tiêu tăng trưởng 5% mà Chính phủ vừa đưa ra không quá vênh so với dự báo của các tổ chức.
Song Linh