Ngày 2/4 tại TAND Hà Nội, trước việc Đạt, bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan kêu gọi góp vốn lãi suất cao, 12 lần phủ nhận cầm tiền của các bị hại, liên tục nói "không nhớ", ông Thiện, 65 tuổi, đập mạnh tập hồ sơ cầm trên tay, nhắc lại nhiều lần "biết thế...".
Cuối phòng xét xử, các bị hại đồng loạt "ồ" lớn, bức xúc phản đối. "Một tỷ chứ đâu phải cái kim sợi chỉ mà phủi toẹt một câu là xong?", một người nói. Còn ông Thiện thần người, nhớ lại lần mắc bẫy 4 năm trước.
Đầu năm 2017, khi ông bạn cùng làng rỉ tai về cơ hội làm giàu tại tập đoàn quốc tế, ông Thiện từ chối. Nhưng nghe thuyết phục, ông đồng ý cùng đi. Hôm sau, rời ngôi làng ở huyện ngoại thành Chương Mỹ, Hà Nội, hai ông bạn già đi bằng xe máy vào nội thành từ sáng sớm.
Tới văn phòng đại diện Tập đoàn giải trí toàn cầu GGV Anh Quốc tại Việt Nam trên phố Khuất Duy Tiến, ông thấy chật kín người đến dự hội thảo, không chỉ có lão nông như ông mà cả sinh viên, công chức về hưu.
Đạt xuất hiện trên sân khấu, tự xưng giám đốc GGV chi nhánh Việt Nam, đứng bên cạnh là người đàn ông nước ngoài, Anson Yang, Giám đốc Marketing của tập đoàn. Trên màn hình trình chiếu bắt đầu hiện lên các hình ảnh về GGV, giọng Đạt cũng cất lên, giới thiệu về GGV là tập đoàn quốc tế lớn mạnh chuyên kinh doanh dịch vụ giải trí, sòng bài casino, đua ngựa...
Người tham gia được giới thiệu 4 gói "góp vốn" đầu tư cho GGV, "góp càng nhiều lợi nhuận càng nhiều". Cụ thể, ai góp 1.000 USD sẽ nhận lãi 3% trong 36 tháng liên tiếp; góp 4.000 USD nhận lãi 6% trong 36 tháng; góp 13.000 USD nhận lãi 9% trong 36 tháng và gói 40.000 USD nhận lãi 12% trong 36 tháng. Ngoài ra, nếu giới thiệu được thêm người tham gia, cá nhân sẽ được trả thêm hoa hồng.
Ông Thiện lắc đầu "ngon ăn thế chỉ có là lừa đảo", rồi bấm tay, bảo bạn đi về. Trong kỳ "nở rộ" của kinh doanh đa cấp thời điểm đó, ông Thiện nhận đã tỉnh táo khi không tin theo nhưng hứa hẹn đường mật về lãi suất để tiền mất tật mang.
Nhưng rồi lần thứ hai theo bạn trở lại GGV, ông Thiện bị thuyết phục. Đạt mời ông vào phòng làm việc, mời chào "sau 3 năm, một tỷ đồng góp sẽ thành 3 tỷ 8, lợi nhuận mỗi tháng 12% nhưng công ty giữ lại một phần duy trì hoạt động". Với cách thức này, ông Thiện sẽ được nhận mỗi tháng 105 triệu đồng.
Ông Thiện hỏi lại "Công ty đã được đăng ký kinh doanh chưa? Có được cấp phép làm cái này không?". Đạt không trả lời thẳng, chỉ trấn an "Bọn em đang chờ xin chính phủ. Anh đầu tư thì bọn em sẽ đảm bảo quyền lợi cho anh, nếu không thì bọn em sẽ chịu trách nhiệm".
Ông phân vân nhìn sang người bạn già, người cũng giấu vợ "đầu tư" tới hơn 100 triệu đồng vào GGV, mong hưởng lãi suất cao, rồi quay sang Đạt nói chốt: "Tuần sau tôi mang tiền tới".
Thế chấp tài sản, ông Thiện vay được một tỷ đồng. Song cũng giống như người bạn, không nói cho gia đình biết. Ngày 15/3/2017, ông sắm chiếc cặp số bảo mật, rồi đến ngân hàng lấy tiền. "Chú lấy mệnh giá 500.000 đồng cho gọn", ông Thiện dặn nhân viên ngân hàng, nhìn từng cục tiền 50 chạy rè rè trên máy đếm lần lượt được xếp vào valy, nghĩ về lợi nhuận 3 tỷ 8...
Hai ông già lại lóc cóc lái xe máy lên ngay văn phòng. Đạt và Đoàn Văn Hoạt đã chờ sẵn. "Văn phòng công ty quốc tế mà không có máy đếm tiền", ông Thiện thầm nghĩ, ngồi nửa buổi chiều đợi Hoạt mở 20 cọc tiền ra đếm tay. Đạt chia ngay cho Hoạt 500 triệu đồng, bảo để lo "công việc nội bộ", rồi xách valy cầm 500 triệu còn lại vào phòng riêng.
"1 tỷ của tôi các chú đã nhận, phải viết cho tôi cái hoá đơn", ông Thiện nói khi Đạt trở ra. Ông nhớ, khi ấy Hoạt đã định lấy giấy viết, nhưng Đạt đứng phắt dậy chỉ tay, nói gay gắt: "Anh Hoạt, anh không được viết. Anh viết mai sau có vấn đề gì anh chịu trách nhiệm". Hoạt rụt ngay lại, không dám làm trái.
Đạt đưa cho ông Thiện một dãy số 8 chữ số, mật khẩu và tên trang web, giải thích đây là ID nhà đầu tư, chỉ cần vào website để tra cứu, tên và số tiền ông đã nộp, ngày nhận lãi sẽ hiện ra ngay. "Đấy chính là hoá đơn rồi", Đạt nói và tiễn hai lão nông ra cửa.
Gật gù cầm "ID nhà đầu tư", ông Thiện vẫn suy nghĩ suốt đường về. "Công ty chưa được cấp phép, nhận tiền lại không viết hoá đơn, lãi suất thì cao gấp mấy ngân hàng...", nửa đường, ông Thiện sực tỉnh, nhận ra mình bị lừa. Những ngày sau, ông liên tục gọi điện, đến văn phòng xin rút lại tiền đầu tư nhưng chỉ nhận lại những cái sập cửa rất mạnh từ giám đốc Đạt: "Tiền chú nộp công ty rồi, đòi gì mà đòi".
Ông Thiện trở thành nạn nhân bị lừa đảo nhiều nhất trong vụ án. Trong phiên toà mở ngày 2/4, cáo trạng xác định, GGV chưa có đăng ký kinh doanh hay văn phòng đại diện tại Việt Nam, song Đạt, Hoạt, Anson Yang cùng các đồng phạm người Trung Quốc vẫn kêu gọi góp vốn trái phép, lấy lãi suất cao để "dụ" các bị hại nộp tiền.
Từ tháng 1/2017, Anson Yang ngưng trả lợi nhuận cho người đầu tư tại Việt Nam. Biết điều này, Đạt vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư. Đến tháng 6/2017, 13 người đã nộp tiền cho Đạt, tổng 4,7 tỷ đồng. Đạt chi trả lãi 540 triệu đồng, số còn lại chiếm hưởng, nhà chức trách cáo buộc.
13 bị hại đa số là người cao tuổi tại Hà Nội, số tiền nộp cho Đạt đều là tiền hưu trí tiết kiệm nhiều năm hoặc được con cái biếu tặng...
Khi đối chất với bị hại, Đạt nói: "Các bác đổ tội cho người khác là có luật nhân quả trừng phạt đấy". Chủ toạ lập tức ngắt lời: "Toà cho bị cáo thời gian đối chất thì bị cáo quay ra mắng bị hại. Vậy mà nói đã ăn năn hối cải?". Đạt cúi đầu quay lên, không trả lời.
Giải thích về việc không viết giấy biên nhận một tỷ đồng cho ông Thiện, Đạt nói, "Đây là đầu tư cá nhân, chứ không phải trách nhiệm của ai cả. Bị cáo có cảnh báo trước là bác tìm hiểu kỹ rồi hẵng đầu tư".
Hành vi của Đạt bị HĐXX đánh giá vô cùng nghiêm trọng, số tiền chiếm đoạt lớn, lượng bị hại đông, song thái độ chưa thực sự thành khẩn. Tính từ đầu 2016 đến nay, 68 bị hại trình báo đã nộp cho Đạt gần 23 tỷ đồng.
Đạt và Hoạt cùng bị toà tuyên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lần lượt lĩnh 14 năm và 3 năm tù. Hoạt đã trả lại 500 triệu đồng hưởng lợi bất chính từ ông Thiện nên được xét làm căn cứ giảm án. Đạt phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của ông Thiện và 12 bị hại còn lại.
Chủ toạ cũng nhắc nhở các bị hại "có một phần lỗi, do hám lãi suất cao", trở thành "con mồi ngon cho những kẻ lừa đảo". Ông Thiện bần thần ở hàng ghế cuối phòng xử, nghĩ về một tỷ đồng và đúc kết "do mình tham để cuối đời mang nợ".
Dắt tay ông bạn già ra về, cũng là bị hại trong vụ án, ông Thiện không muốn nhắc đến số phận căn nhà đã cầm cố và khoản nợ ngân hàng đè nặng ông suốt 4 năm nay.
Thanh Lam
* Tên nạn nhân đã thay đổi