Ông lão viết thư thuê lâu nhất Sài Gòn
Ngồi lọt thỏm ở một góc tòa nhà rộng lớn ở Trung tâm bưu điện Sài Gòn, trông ông Dương Văn Ngộ (sinh năm 1930) càng nhỏ bé cùng mái đầu bạc trắng và ánh mắt hiền từ. Suốt 20 năm nay, ông vẫn miệt mài tại cái không gian như dành riêng cho mình để viết thư "mướn" cho khách. Ông cũng là người Sài Gòn cuối cùng viết thư thuê bằng tay và duy nhất được nhận danh hiệu "Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam" do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận.
Ông Dương Văn Ngộ đang soi kính lúp dịch thư giúp khách hàng ở một góc nhỏ trung tâm bưu điện Sài Gòn. Ảnh: Tá Lâm. |
Mọi người đến đây nhận ra ông bởi tấm biển ghi dòng chữ "Nơi chỉ dẫn và viết giúp" được dựng sát một cái bàn nhỏ. Xung quanh ông luôn có vài người ngồi đợi để đến lượt nhờ viết hộ thư bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Dán mắt say sưa nhìn ông viết, nhiều người trầm trồ cảm phục bởi những nét chữ rất đẹp, thanh thoát.
"Mỗi khi cần viết thư cho người bạn ở nước ngoài tôi lại đến nhờ ông viết giúp. Tôi cũng rất thích được nhìn ông lúc làm việc thế này. Tuy ông viết không nhanh nhưng cực kỳ cẩn thận và chuẩn”, anh Phạm Đức cho biết.
Thêm một vị khách trung niên bước vào khiến ông lão ngưng tay đưa nét chữ. Sau khi nghe yêu cầu muốn viết một lá thư cho con rể ở Pháp, ông Ngộ nhẹ nhàng từ chối bởi còn bận dịch mấy tập tài liệu khách đang chờ lấy. Thấy khách cố nài nỉ và có thể chờ đến ngày hôm sau, ông chép miệng từ tốn: "Tôi làm hôm nay không nhận công việc cho ngày mai. Nhỡ thất hứa sẽ có lỗi với khách. Biết ngày mai tôi còn sức để đến đây làm được nữa không?".
Tỏ vẻ thất vọng, người đàn ông rầu rĩ cho biết mình ở tận Vũng Tàu. Biết ông Ngộ là người viết thư rất cẩn thận nên lặn lội một quãng đường dài 200 km lên đây nhờ ông giúp bởi đối với ông lá thư này rất quan trọng. Trước tình cảm chân thành của khách, ông Ngộ nhận lời.
"Ở Vũng Tàu cũng có nhiều Trung tâm dịch thuật nhưng tôi vẫn tìm đến ông Ngộ nhờ viết giúp. Không hẳn vì ông là người nổi tiếng mà chỉ vì ông là người rất cẩn thận trong việc dùng từ ngữ”, người đàn ông vui vẻ chia sẻ.
Tuy Sài Gòn mọc lên các trung tâm văn phòng dịch thuật nhưng vẫn có nhiều người như vị khách ấy tìm đến với ông Ngộ. Theo họ, khi đến các trung tâm dịch thuật phải đợi ít nhất một ngày. Hơn nữa câu chữ mà họ dùng thường khô khan, không thể hiện được tình cảm. Còn với ông lão, họ rất tin tưởng vì ông đã truyền đạt giúp họ tình yêu thương ở trong từng câu chữ.
Xế trưa, khi người khách cuối cùng đã rời khỏi, nhấp một ngụm nước ông Ngộ chậm rãi cho biết công việc hàng ngày của mình bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc lúc 4h chiều. Trung bình mỗi ngày ông nhận viết từ 5 đến 7 lá thư với giá 5.000 - 10.000 đồng một trang, còn việc dịch thuật hoàn toàn miễn phí.
Theo ông, hình thức giao tiếp bằng thư rất quan trọng. Lời lẽ, câu cú, cách trình bày, thậm chí cách viết dòng địa chỉ cũng cho thấy văn hóa người gửi. Vì thế ông rất cẩn thận với bản mẫu của khách để không chỉ chuyển tải đúng ý mà còn phát hiện ra sai sót để điều chỉnh.
Chỉ chiếc xe đạp cũ kỹ dựng đằng xa, ông lão cho biết đó là “chiến hữu" của mình suốt hơn 20 năm qua. Ông làm việc cho bưu điện trung tâm Sài Gòn từ lúc 17 tuổi. Đến năm 1990, ông trở thành người viết thư thuê ở đây. Từ đó đến nay ông luôn mang theo bên mình chiếc cặp đen chứa gần 20 kg tài liệu dịch thuật. Đó là những cuốn từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp, bút lông, sổ tay… Và quan trọng nhất là chiếc kính lúp, nó giúp ông nhìn rõ những từ ngữ của khách nhờ dịch khi đôi mắt ông không còn tỏ như xưa.
Ông Ngộ đang cần mẫn viết những dòng chữ cho khách. Ảnh: Tá Lâm. |
Lại nhấp thêm ngụm nước, ông vui vẻ hẳn lên khi nhắc đến kỷ niệm về những lần viết thư tình cho khách.
Ông kể, cách đây hơn 5 năm, một phụ nữ chừng 30 tuổi có khuôn mặt xinh xắn quanh quẩn bên ông suốt buổi sáng mà không mở lời. Thấy lạ ông liền hỏi thăm thì cô gái mới rụt rè nhờ ông viết thư làm quen với một người nước ngoài. Chàng trai đó là người Canada, hay đến quầy của chị mua hàng. Sau một thời gian tiếp xúc, tuy chị không biết tiếng Anh và người kia lại mù tịt tiếng Việt nhưng qua thái độ, ánh mắt, nụ cười… chị biết họ đã dành tình cảm cho nhau.
Nghe xong câu chuyện của người phụ nữ, ông Ngộ rất thông cảm nhưng cũng rất băn khoăn bởi chuyện tình cảm của họ chỉ có họ mới biết, làm sao ông có thể thay cô gái viết ra nỗi lòng mình được. Thấy khách có vẻ buồn, ông đành bảo cô này viết hết tâm tư của mình ra giấy rồi ông sẽ chuyển ngữ thật chính xác bằng tiếng Anh. Hôm đó, tuy ông Ngộ không lấy tiền, nhưng người phị nữ vẫn dúi vào túi áo ông 5.000 đồng cùng với ánh mắt biết ơn.
"Cô ấy rạng rỡ như một cô bé tuổi trăng tròn say sưa với mối tình đầu. Nhìn ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của cô ấy, tôi mong chàng trai kia sẽ đáp tình yêu này một cách chân thành. Không biết do mát tay hay có duyên phận 'kết nối trái tim' mà nhiều người trẻ đến đây nhờ tôi viết hộ thư tình lắm. Kể cũng hay, mỗi lần như thế tôi lại sống trong ký ức tình yêu của mình”, ông lão nheo mắt cười vui vẻ.
Ông Ngộ cũng cho biết mình luôn tâm niệm không bao giờ viết "bịa" thư tình, hay viết thuê cho những người "giả khổ" dù bất cứ giá nào. Ông không chịu nổi những vị khách thực dụng nhờ ông viết những dòng kể lể vòi vĩnh người thân ở nước ngoài gửi tiền về. "Tình cảm phải từ đáy lòng mới có ý nghĩa. Tôi không thể tiếp tay hay cổ xúy người khác lừa gạt người khác, nhất là người thân của mình chỉ vì tiền", ông nói.
Trên thực tế không chỉ có người Việt mới tìm đến ông mà một số người nước ngoài cũng tìm đến nhờ ông viết thư bằng tiếng Việt. Ông kể, vài năm trước có một người phụ nữ quốc tịch Anh tên là M. Admans (nữ y tá ở Oxford) đã đến nhờ ông viết một lá thư bằng tiếng Việt để gửi cho người thân ở Hà Nội. Hoàn thành bức thư cho khách, ông thực sự xúc động trước tình cảm của người đàn bà này nên nhất định không nhận thù lao.
“Sau khi về nước, bà ấy đã viết cho tôi một lá thư cảm ơn và bày tỏ lòng yêu quý với con người và đất nước Việt Nam. Tình cảm đó không có tiền nào mua được cả”, ông Ngộ nhỏ giọng như nói với chính mình.
Hình ảnh một ông lão đạp chiếc xe cà tàng đến bưu điện trung tâm Sài Gòn, cần mẫn viết hộ những dòng thư cho khách đã trở thành quen thuộc, một nét rất riêng của Sài Gòn.
"Tôi thường đi qua khu vực này đơn giản chỉ để được nhìn thấy ông vẫn còn đó, chăm chút tỉ mỉ với công việc. Đối với tôi, ông là một biểu tượng văn hóa sống của thành phố này. Tôi sợ một ngày ông ra đi, cảm giác nơi đây sẽ vắng đi một điều gì đó thân thương lắm…", Thiên Tú, sinh viên Đại học Bách Khoa TP HCM chia sẻ.
Tá Lâm