Giữa khu phố Bát Đàn (Hà Nội) ồn ào với những địa chỉ ăn uống, giải trí, ngôi nhà 4 tầng của ông Phan Trác Cảnh dường như lạc điệu với biển hiệu “Nhà sách cũ”. Trong nhà, dọc cầu thang, sách được kíp các giá, nối tiếp nhau, dựa lưng vào tường. Thư phòng nhỏ ngách phải của tầng 3, nơi ông làm việc, cũng được trang trí bằng sách.
Bên chiếc bàn làm việc đặt giữa phòng, ông chủ Cảnh cẩn thận đánh dấu cuốn sách đang đọc dở. Thấy khách đến, gỡ cặp kính dày để lộ đôi mắt sáng, ông mỉm cười nói: "Tôi chẳng có gì đáng viết. Thứ đáng viết nhất là những cuốn sách đang nằm kia".
Hơn 20 năm mải mê sưu tầm sách, ông Cảnh đã có trong tay hàng trăm nghìn cuốn. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Rời ĐH Tổng hợp về nghỉ hưu năm 1983, ông Cảnh mở một hiệu sách cũ rồi từ đấy đam mê. Ngôi nhà cấp 4 cũ được nâng cấp lên 4 tầng, nhưng không phải để kinh doanh mà làm nơi lưu giữ tri thức.
Vợ ông tâm sự, ngày xưa vì sách, ông đã nhịn ăn, nhịn uống để có tiền mua. Với chiếc xe đạp cọc cạch, ông đi từ sáng đến tối, đến các hiệu sách cũ, các hàng đồng nát. Cánh cửa nhà ông luôn khóa, ai yêu sách nếu muốn xem sẽ nhấn chuông để được mời vào.
"Đi tìm mua sách đã là một kỳ công, tìm được rồi ông ấy lại mày mò nghiên cứu. Có những đêm miệt mài bên trang sách đến quên cả nghỉ ngơi, rồi lại lọ mọ dậy sớm nên người có béo ra được đâu. Có khi đang ốm, có người bạn yêu sách đến bất ngờ ông ấy cũng bật dậy đón tiếp", vợ ông cho hay.
Những năm tháng ấy đã cho ông gia tài hơn 10 tấn sách. Đó là chỉ ước chừng vì theo ông giờ mà đếm từng cuốn chắc phải mất cả tuần mới ra được con số chính xác. Trong gia tài ấy, ông có đến mấy trăm cuốn nói về Hà Nội, về lịch sử, kinh tế, văn hóa, địa chỉ ẩm thực, phố phường, hay có thể chỉ là những câu chuyện đằng sau một Hà Nội hào hoa.
Một góc tủ sách về Hà Nội mà ông Cảnh đã sưu tầm. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Cuốn lâu đời nhất về Hà Nội mà ông có là Hà Nội chỉ nam của tác giả Nguyễn Bá Chính xuất bản năm 1923. Ông Cảnh rất quý cuốn này bởi nó không chỉ xưa mà còn gần gũi. Nó chỉ dẫn tên phố, tên đường, xen lẫn những tờ quảng cáo xanh, đỏ giới thiệu các hiệu sách, quán ăn, điểm vui chơi, giải trí... Sách tuy mỏng nhưng với ông nó chứa đựng cả một thế giới văn hóa, tính cách của người Hà Nội xưa.
Ông Cảnh cũng rất yêu cuốn Chuyện Hà Nội của Vũ Ngọc Phan, xuất bản năm 1943. Khác với một Hà Nội hào hoa, thanh lịch như người ta vẫn biết, Vũ Ngọc Phan đã phơi bày mặt trái của chốn kinh kỳ. Ông cho rằng người Hà Nội sành ăn, toàn chọn đặc sản của các vùng quê, nhưng hễ mở miệng lại chê người nhà quê. Rồi cái tật ngọt nhạt giả tạo nơi chót lưỡi đầu môi cũng được nhà văn mổ xẻ, xem xét...
Ông Cảnh kể, ngày ấy nghe người ta nhắc đến tác phẩm Chuyện Hà Nội nhưng chưa một lần được đọc, ông đã quyết tâm tìm kiếm. "Tính tôi là thế. Đã thích cái gì là không thể ngăn cản. Để có cuốn sách Chuyện Hà Nội tôi đã mất cả tháng lục lọi khắp các nhà sách, cửa hàng giấy lộn", ông Cảnh nói.
Hà Nội đang bước vào những ngày cận kề đại lễ 1000 năm. Hằng ngày, ngoài đón những người bạn yêu sách thông thường, ông Cảnh còn đón những người nghiên cứu về Hà Nội. Họ tìm, đọc sách, rồi lấy tư liệu để nghiên cứu về Hà Nội nghìn năm. Ông Cảnh tận tình giúp đỡ và trò chuyện, nêu ý kiến của mình về vấn đề mà họ quan tâm.
Một ngày của ông bắt đầu bằng việc lau bụi cho sách, nghiên cứu và tổng hợp sách. Căn nhà số 5 phố Bát Đàn không chỉ là một đại thư viện mà còn là nơi gặp gỡ của những người bạn tâm giao, trong đó có những học giả tên tuổi như Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Phan Ngọc...
Hoàng Thùy