Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết lãnh đạo Kim Jong-un hôm 20/12 gặp và chúc mừng các binh sĩ Đại đội 2 thuộc Tổng cục Tên lửa, những người tham gia vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18 trước đó vài ngày.
"Ông Kim Jong-un nhấn mạnh các hoạt động được đại đội tiến hành đã thể hiện vị thế vững chắc của lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ đất nước. Chúng ta sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị đối phương khiêu khích bằng vũ khí nguyên tử. Đây là phương án đáp trả kiên quyết dựa trên chiến lược và học thuyết hạt nhân của Triều Tiên", KCNA cho hay.
Lãnh đạo Triều Tiên cho rằng đợt phóng tên lửa Hwasong-18 hồi đầu tuần thể hiện khả năng cơ động cao và tấn công chớp nhoáng của quân đội, đồng thời kêu gọi tăng cường hiệu quả chiến đấu của lực lượng.
Trong tuyên bố cùng ngày, Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, khẳng định vụ phóng là động thái thực thi quyền tự vệ của Triều Tiên và chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì tổ chức cuộc họp về hoạt động này.
"Hội đồng Bảo an nên chú ý vào những hành động vô trách nhiệm của Mỹ và Hàn Quốc, những bên đang gây leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thông qua hàng loạt động thái khiêu khích quân sự suốt cả năm", bà cho hay.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc chưa bình luận về thông tin.
Vụ phóng ngày 18/12 là lần thứ ba Triều Tiên thử thành công tên lửa Hwasong-18 sử dụng nhiên liệu rắn, sau các lần thử thành công hồi tháng 4 và 7. Giới chuyên gia ước tính loại tên lửa này có tầm bắn hơn 15.000 km nếu được phóng theo góc tối ưu, đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
Bình Nhưỡng mô tả Hwasong-18 là dòng ICBM mang động cơ nhiên liệu rắn đa tầng hiệu suất cao, trang bị công nghệ tách tầng và hệ thống điều khiển có độ tin cậy cao.
Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trước đây của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng, vốn dễ chế tạo hơn rất nhiều so với tên lửa nhiên liệu rắn. Dù vậy, tên lửa nhiên liệu rắn sở hữu hàng loạt ưu thế vượt trội.
Chúng không mất nhiều thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng, tăng khả năng cơ động, khó bị các hệ thống trinh sát của đối phương phát hiện và có thể triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau. Tên lửa nhiên liệu rắn cũng tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng và di chuyển hơn nhiên liệu lỏng.
Phát triển ICBM dùng nhiên liệu rắn từ lâu đã là một trong những mục tiêu then chốt của Bình Nhưỡng, nhằm tăng khả năng sống sót của lực lượng tên lửa chiến lược khi nổ ra xung đột.
Vũ Anh (Theo KCNA)