Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng là vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ nên sẽ cần hoàn thiện từng bước.
Theo ông Bảo, trong cuộc sống, ngoài các quy định của pháp luật, con người còn ràng buộc bởi những quy chuẩn đạo đức. "Trước đây khi pháp luật còn hạn chế, làng nào cũng có hương ước, trong mỗi nhà có gia phong, sau này mỗi câu lạc bộ lại ra những quy định riêng, thì bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng thiên về vấn đề đạo đức", ông nói. "Nó thỏa lấp một phần nào đó cho pháp luật hoặc nếu dùng pháp luật nhưng chưa phù hợp".
Lãnh đạo Bộ cho rằng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cần lấy các quy chuẩn đạo đức ngoài đời làm nền tảng nhưng phải phù hợp với một xã hội công nghệ. Quan trọng hơn, cách thể hiện phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. "Nếu dùng những từ ngữ như văn bản pháp luật hoặc quá trừu tượng sẽ rất khó thực hiện", ông nhấn mạnh.
Ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết hiện Việt Nam đã có 436 mạng xã hội được cấp phép, trong đó khoảng 55 triệu thành viên trên Facebook, chiếm 57% dân số. Việt Nam xếp thứ 7 trong số 10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Ngoài vai trò thảo luận, chia sẻ thông tin, mạng xã hội cũng trở thành nơi truyền bá thông tin xấu, độc hại và sai lệch.
Khoảng 5.000 clip có nội dung xấu đã bị gỡ bỏ nhưng các luồng thông tin độc hại vẫn còn rất nhiều trên mạng xã hội. Vì thế, bộ quy tắc ứng xử sẽ là giải pháp "mềm" nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền cũng như trách nhiệm khi tham gia môi trường mạng. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của quốc tế, hướng phát triển của toàn cầu.
Báo cáo về kết quả xây dựng, ông Vũ cho biết nội dung của bộ quy tắc là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, không đi ngược với cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do cá nhân, tự do kinh doanh, đồng thời bảo mật thông tin theo quy định.
Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung ở việc nói xấu, phỉ báng (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (37%), kỳ thị giới tính (29,3), kỳ thị khuyết tật (hơn 21,7%), kỳ thị tôn giáo (gần 16%).