Cuối buổi chiều, nói lời sau cùng, cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng bày tỏ mong muốn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho anh trai Dương Chí Dũng (cựu cựu trưởng Hàng hải) và Mai Văn Phúc (cựu tổng giám đốc Vinalines). Đây là hai người bị kết án tử hình trong vụ tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Vinalines.
Còn với vụ án này, ông Trọng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, Giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng, án 5 năm) và Vũ Tiến Sơn (cựu phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng, án 13 năm).
"Chúng tôi bị tạm giam hơn một năm, mỗi giây, mỗi phút là khát khao tự do. Nhiều đêm bị cáo giật mình, thức giấc gọi mẹ, nhớ thương bà vô cùng”, ông Trọng trình bày và cho biết càng xót xa hơn khi người thân vì ông mà chịu nhiều đau khổ, cay đắng.
Trước đó, phiên xử chiều nay bắt đầu bằng việc đại diện VKS đã trình bày quan điểm về vụ án. VKS cho rằng trong vụ án đưa người trốn ra nước ngoài này, các bị cáo có tổ chức, có phân công, thường xuyên thay đổi điện thoại liên lạc. Các bị cáo phần lớn là công an đã sử dụng nghiệp vụ để thực hiện hành vi phạm tội.
Cơ quan công tố cáo buộc, ông Trọng biết anh trai liên quan vụ án tham nhũng lớn xảy ra Vinalines nhưng vẫn tổ chức cho ông này trốn hòng thoát tội, gây khó khăn cho công tác điều tra. "Việc câu kết với một số người phạm tội hình sự thể hiện sự tha hoá của một bộ phận cảnh sát. Bản án sơ thẩm quy kết là có căn cứ, đúng người, tội, pháp luật", công tố viên nêu quan điểm.
Ông Trọng bị VKS xác định là chủ mưu, cầm đầu. Dù giữ vai trò quan trọng trong ngành công an nhưng bị cáo không giữ vững lập trường, suy tính riêng tư chi phối, chỉ đạo cấp dưới móc nối với đối tượng hình sự tổ chức đưa anh trai đi trốn.
Tuy nhiên, đại diện VKS cũng cho rằng, ông Trọng có nhiều thành tích trong công tác, gia đình truyền thống cách mạng, cấp sơ thẩm đã xem xét điều này. Song với bản án 18 năm tù là nặng. "Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo khai báo thành khẩn, đây là tình tiết phát sinh nên đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt", VKS nêu.
Đối với người có vai trò thứ hai trong vụ án là Sơn, VKS khẳng định bị cáo đã đứng ra tổ chức, móc nối để đưa ông Dũng ra nước ngoài. Ông Sơn còn chuẩn bị điện thoại, phương tiện đi lại để đưa ông Dũng trốn. Xét trong quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích, động cơ phạm tội xuất phát từ tình cảm nể nang nên VKS đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo.
Các bị cáo Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng) cũng được đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Riêng bị cáo Tuấn, VKS cho rằng có đầy đủ chứng cứ khẳng định bị cáo không oan. Tuấn là người dẫn đường cho ông Dũng về Quảng Ninh. Án sơ thẩm là đúng người, tội, không oan nên bác kháng cáo.
Tại phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Đình Hưng, bảo vệ quyền và lợi ích cho bị cáo Trọng, cho rằng kết luận của VKS vẫn chưa xem xét hết các bất cập của án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm và quan điểm của VKS vẫn cho rằng ông Trọng biết anh trai phạm tội Cố ý làm trái và Tham ô là tội đặc biệt nghiêm trọng, trong khi đến tối ngày 17/5/2012 mới có quyết định khởi tố.
Luật sư Hưng cũng đề nghị xem xét lời khai của ông Dũng về việc có người mật báo để bỏ trốn trước khi khởi tố vụ án sai phạm ở Vinalines. “Tại phiên toà sơ thẩm đã khởi tố vụ án Làm lộ bí mật Nhà nước, từ đó xem xét vai trò của Trọng có đúng là chủ mưu?”, luật sư Hưng nêu quan điểm bào chữa.
Luật sư Phạm Văn Liêm, bảo vệ cho Trần Văn Dũng, đưa ra quan điểm rằng không có chứng cứ nào khẳng định thân chủ mình sắp xếp cho Dương Chí Dũng qua Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Mọi hoạt động của ông Dũng do chính ông này sắp đặt, nằm ngoài ý chí của Trần Văn Dũng. Đồng thời, Trần Văn Dũng cũng không biết Dương Chí Dũng đang là bị can bỏ trốn, nên không thể áp dụng hậu quả nghiêm trọng cho Trần Văn Dũng.
Cùng bào chữa cho Trần Văn Dũng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, hậu quả của hành vi phạm tội theo điều 275 liên quan đến quản lý xuất nhập cảnh, không thể lấy hậu quả của nhóm tội quản lý kinh tế, tham nhũng để dẫn chiếu sang. Trong đó, hậu quả nghiêm trọng phải là đưa bao nhiêu người đi nước ngoài, hưởng lợi làm sao…
Luật sư Thiệp khẳng định Trần Văn Dũng không hề biết Dương Chí Dũng, đặc biệt không biết đến sai phạm, mà chỉ biết là anh trai của Dương Tự Trọng.
Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho các bị cáo còn lại cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ.
Theo bản án sơ thẩm ngày 8/1 của TAND Hà Nội, tối 17/5/2012, Dương Chí Dũng bỏ trốn sau biết tin bị khởi tố bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian làm chủ tịch HĐQT Vinalines.
Tại Hải Phòng, phó giám đốc Dương Tự Trọng đã cử người đưa anh trai từ Hà Nội về huyện Hải Hà (Quảng Ninh) bỏ trốn. Mọi việc được ông Trọng giao đồng nghiệp thân tín Vũ Tiến Sơn thay mặt giải quyết. Ông Dũng sau đó được các bị cáo đưa vào TP HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa vào Mỹ, ông Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế vào ngày 4/9/2012.
Sau bản án trên, chỉ duy nhất Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng) không kháng cáo, chấp nhận án phạt 5 năm tù. 6 người còn lại chống án xin giảm hình phạt hoặc kêu oan.
Sáng mai tòa nghỉ nghị án, 13h30 sẽ tuyên án
Việt Dũng