Bị cáo được cho là đầu vụ, ông Dương Tự Trọng (nguyên phó giám đốc Công an Hải Phòng, em trai Dương Chí Dũng) trông gày hơn nhiều so với phiên sơ thẩm 4 tháng trước. Cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng (bị tuyên án tử hình do tham ô, cố ý làm trái trong vụ án khác) bị triệu tập với vai trò nhân chứng. Đầu phiên xử, ông Trọng từ vành móng ngựa thi thoảng ngoái nhìn anh trai và vợ.
Được thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Vũ Tiến Sơn khai, ngày 17/5/2012, ông Trọng gọi điện thoại bảo về Hà Nội dự tiệc sinh nhật và thông báo “lo việc của anh Dũng”. Cựu phó phòng cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng bảo lúc đó hiểu ý sếp muốn mình làm gì. "Anh Trọng nói đưa ông Dũng lánh đi trốn một thời gian, sợ bố mẹ tuổi cao nghe tin sẽ không chịu được", bị cáo Sơn nói.
Ông Sơn cho biết coi cựu cục trưởng Hàng hải Dũng như anh ruột. "Tôi hiểu do anh Trọng là em trai ông Dũng, để giữ bí mật nên cần tôi đứng ra thay mặt", bị cáo khai và cho biết được sếp Trọng giao liên lạc với Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng) vì người này có mối quan hệ ở nước ngoài, có thể đưa ông Dũng sang Campuchia rồi đi Mỹ.
Tại cuộc gặp với Phong và Dũng "Bắc Kạn" ở nhà riêng của mình, họ đã thống nhất dùng biệt danh để tránh bị phát hiện. "Ông Trọng bảo cứ thế mà làm miễn sao cho an toàn", bị cáo Sơn khai.
Về việc có mặt tại TP HCM vào ngày 20/5/2012, trùng với thời điểm xe của ông Dũng vào tới đây, Sơn khai "cả tôi và anh Trọng đi công tác trong vụ án nổ mìn tại nhà giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên. Tiện việc nên chúng tôi kết hợp luôn".
Theo lời khai của Sơn, bị cáo biết việc ông Dũng không được nhập cảnh Mỹ từ sếp Trọng. Bọc 30.000 USD Sơn giao cho ông Dũng làm lộ phí trốn truy nã cũng là do ông Trọng giao. "Tôi vì tình cảm quá nên vi phạm pháp luật", cựu phó phòng cảnh sát hình sự khai.
Trả lời tòa về lý do xin giảm hình phạt 13 năm tù, ông Sơn cho rằng mình chỉ "thực hành" theo chỉ đạo, hơn nữa đã thành khẩn khai báo. Nói tình tiết xin giảm nhẹ vì gia đình có công trong kháng chiến chống Mỹ, bị cáo trùng giọng, bật khóc bảo muốn được sớm về thắp hương cho bố vừa mất. Ở phía sau, ông Trọng giơ tay động viên người em thân tín này giữ bình tĩnh.
Tương tự, bị cáo Phong (khi xảy ra vụ việc đang là nghi can trốn truy nã suốt nhiều năm về tội Buôn lậu) cho rằng mình và những người khác làm việc này đều vì "tình cảm anh em". Thời điểm đó bị cáo không biết ông Dũng bị khởi tố. Dù thừa nhận "việc bị truy tố là không oan" song Phong cũng mong được giảm nhẹ hình phạt.
Dương Tự Trọng nhận tội thay đồng phạm
Được gọi lên thẩm vấn, ông Trọng xin HĐXX mấy giây để mặc niệm cho người mất (bố Sơn). Ông bật khóc. Chủ tọa sau đó đã tạm dừng việc việc xét hỏi ít phút.
Cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng cho rằng việc mình làm "không tinh vi" như quy kết của VKSND Tối cao và bản án sơ thẩm vì đi công khai, giữa ban ngày.
"Khi có việc của anh Dũng, gia đình chúng tôi đã quá bất ngờ nên lúc đó tôi nghĩ đến những anh em thân là Tuấn, Sơn, và Ánh. Nếu cần nhờ, tôi có nhiều mối quan hệ xã hội ở Hà Nội. Tôi là người điều tra nên biết và luôn giữ bàn tay sạch", ông Trọng nói.
"Khi nghe anh Dũng báo tin bị khởi tố, tôi bị sốc. Đầu tiên là thương anh, đến bố mẹ. Tôi có bảo anh đi như thế còn bố mẹ, và em. Anh Dũng bảo không bàn gì nữa", bị cáo khai là người tổ chức mọi việc, nhận không thông báo cho những người tham gia biết "tình hình xấu của ông Dũng".
"Ở Sài Gòn, tôi đã khóc suốt vì thương anh Dũng. Việc anh Dũng bị tử hình như hàng trăm người phạm tội khác đối với xã hội thì bình thường. Tuy nhiên, với gia đình, người thân, với con anh Dũng và con tôi, nước mắt sẽ còn rơi mãi".
Ông Trọng giải thích việc bảo cảnh sát Thắng và Ánh đi cùng ông Dũng là để bảo vệ, lo anh trai bị giang hồ làm càn. "Trong thâm tâm chúng tôi chỉ là che giấu tội phạm. Anh Dũng tự quyết định sang Camphuchia để từ đó sang Mỹ", cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng khai.
Bị cáo Trọng cũng cho rằng việc bị quy kết phạm tội khoản 3 điều 275 (Tổ chức người khác trốn ra nước ngoài) là không đúng. "Không thể bảo chúng tôi gây ra dư luận xấu. Anh Dũng lúc bị bắt mới chỉ bị khởi tố tội Cố ý làm trái chứ chưa thêm tội Tham ô. Chả có điều luật nào quy định người bị quy kết phạm tội nghiêm trọng mà những người liên quan khác cũng là gây hậu quả nghiêm trọng", bị cáo trình bày.
Theo cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng này, việc làm của ông chỉ bị truy tố hành vi cản trở hoạt động cơ quan điều ra, mức phạt cũng không thể quá 5 năm tù. "Tôi không chỉ muốn xin cho tôi mà còn cho các anh em. Tôi có mặt hay không có mặt trên đời cũng không quan trọng, chỉ tội cho những người thân", bị cáo Trọng nói.
Dương Chí Dũng nhận chủ mưu tổ chức bỏ trốn thay em
Với vai trò nhân chứng, ông Dũng cho biết sau khi nhận được mật báo tạm lánh đã điện thoại cho em trai. Khi ông Trọng điều thuộc cấp mang xe đến, ông đã bảo đi về hướng bảo về Móng Cái (Quảng Ninh) vì định trốn sang Trung Quốc. Dọc đường đường đi, bấm tay thấy hướng xấu, ông bảo chuyển hướng vào miền Nam. Do trong túi có visa còn hạn, ông muốn sang Mỹ, tiện thể thăm con gái út.
Trước đó, ông Dũng đã dặn ông Trọng ở nhà chăm sóc bố mẹ và được em phân tích đi như vậy là nguy hiểm, "đi rồi phải về, còn bố mẹ nữa".
Theo lời khai, lúc đầu ông Dũng định đi xe ôm từ Quảng Ninh vào Sài Gòn nhưng ông Trọng ngăn cản vì sợ anh trai nguy hiểm. "Tôi xin khẳng định mọi quyết định đi đâu đều do tôi chứ không phải Trọng. Nếu Trọng không giúp tôi, tôi có thể tự trốn sang Camphuchia được song sẽ phải mất thời gian loay hoay. Tôi rất thấm thía về sai lầm trốn đi nước ngoài vậy, nhất là với em trai và người thân", cựu cục trưởng Hàng hải nói mạch lạc.
Bị trở lại thẩm vấn, ông Trọng cho biết thường lính hình sự khi có lệnh của cấp trên theo thói quen thì không có hỏi han gì. Trong vụ anh trai bỏ trốn, ông cũng chỉ nói ngắn gọn vì không có thói quen nói hết cho anh em. "Việc của tôi, Tuấn làm cũng theo thói quen, tôi nhờ thì đi", bị cáo nhận tội thay cho người bạn làm giám đốc doanh nghiệp.
VKS sau đó hỏi nhiều bị cáo để làm rõ việc ông Trọng có lợi dụng chức vụ khi nhờ vả họ đưa giúp ông Dũng bỏ trốn hay không. Tuy nhiên, câu trả lời đều là "tự nguyện làm".
Theo bản án sơ thẩm ngày 8/1 của TAND Hà Nội, tối 17/5/2012, Dương Chí Dũng bỏ trốn sau biết tin bị khởi tố bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian làm chủ tịch HĐQT Vinalines.
Tại Hải Phòng, phó giám đốc Dương Tự Trọng đã cử người đưa anh trai từ Hà Nội về huyện Hải Hà (Quảng Ninh) bỏ trốn. Mọi việc được ông Trọng giao đồng nghiệp thân tín Vũ Tiến Sơn thay mặt giải quyết. Ông Dũng sau đó được các bị cáo đưa vào TP HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa vào Mỹ, ông Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế vào ngày 4/9/2012.
TAND Hà Nội nhận định, hành vi đưa ông Dũng bỏ trốn của 7 bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Việc ông Dũng trốn trót lọt sang Campuchia đã gây khó khăn cho việc điều tra vụ án ở Vinalines. Ông Trọng là cán bộ công an cao cấp nhưng đã làm sai, gây khó khăn cho công tác điều tra của nhà nước.
Sau bản án trên, chỉ duy nhất Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng) không kháng cáo, chấp nhận án phạt 5 năm tù.
Bị cáo Trọng đề nghị được giảm nhẹ hình phạt 18 năm tù, xem xét lại cáo buộc đưa 30.000 USD làm lộ phí trốn truy nã. Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, Giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng, án 5 năm) và Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng, án 6 năm) cùng chống án kêu oan.
Bị cáo Vũ Tiến Sơn (cựu Phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng, án 13 năm) cùng Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng, án 7 năm), Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn", 46 tuổi, giang hồ đất Cảng, án 8 năm) đều muốn được giảm nhẹ hình phạt.
Chiều nay tòa tiếp tục làm việc.
Việt Dũng