Hội đồng trường được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà công nhận hai hôm trước, do PGS Vũ Xuân Cường, Bí thư Đảng uỷ, làm Chủ tịch.
Một nửa trong số 23 thành viên là Ban giám hiệu, cán bộ quản lý cấp phòng, viện nghiên cứu của trường; một số là cán bộ cấp vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đại diện cựu sinh viên trong Hội đồng trường là ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Thành viên ngoài trường có Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cùng một số lãnh đạo sở ngành như: bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ (Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), ông Nguyễn Kỳ Phùng (Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ), ông Nguyễn Anh Thi (Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao).
Ông Dương Anh Đức, 52 tuổi, quê Đà Nẵng, trình độ Phó giáo sư, Tiến sĩ Công nghệ thông tin. Ông Đức có hơn 20 năm làm giảng viên và quản lý trường đại học. Ông từng làm Hiệu trưởng Đại học Công nghệ thông tin, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tháng 7/2017.
Ông Dương Anh Đức trở thành Phó chủ tịch UBND thành phố hồi tháng 3, sau khi được HĐND TP HCM bầu. Ông được giao phụ trách mảng xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thông tin, truyền thông của thành phố.
Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM là trường công lập, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành lập được gần 40 năm. Trường có quy mô hơn 10.000 sinh viên, hiện đào tạo 17 ngành trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, thuỷ văn, địa chất, khoáng sản, bản đồ...
Trước đó, Phó bí thư Trần Lưu Quang tham gia Hội đồng trường Đại học Bách khoa TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tham gia Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP HCM.
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 (có hiệu lực từ tháng 7/2019), cơ cấu tổ chức của một trường đại học gồm: Hội đồng trường, Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, Hội đồng khoa học và đào tạo và hội đồng khác (nếu có)...
Trong đó, hội đồng trường đại học tối thiểu 15 người, gồm các thành viên trong và ngoài trường. Thành viên trong trường gồm thành viên đương nhiên và thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu.
Thành viên đương nhiên gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng trường, chủ tịch công đoàn và đại diện Ban chấp hành Đoàn. Thành viên bầu gồm đại diện giảng viên; đại diện viên chức và người lao động; thành viên ngoài trường gồm đại diện của cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội, nhà lãnh đạo, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên,...
Hội đồng trường có quyền quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hàng năm của nhà trường; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, dân chủ ở cơ sở phù hợp với các điều luật quy định chung.
Hội đồng cũng có quyền quyết phương án tuyển sinh, mở ngành đào tạo mới, thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc trường và các chế độ tuyển dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên chức...