Ngày 10/1, PGS Bùi Hoài Thắng (Trưởng phòng Đào tạo trường) cho biết, kết quả đang được Đại học Quốc gia TP HCM xem xét phê duyệt và làm thủ tục theo quy định. Quy chế làm việc của hội đồng và các thành viên cũng được thông qua sau đó.
25 thành viên Hội đồng trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) được hơn 200 đại biểu là cán bộ, giảng viên trường bỏ phiếu thông qua. Trong số này có 18 người là thành viên Ban giám hiệu, công đoàn, lãnh đạo các khoa của trường, còn lại là nhà quản lý, doanh nhân đại diện đơn vị sử dụng lao động.
Ông Trần Lưu Quang, 53 tuổi, quê Tây Ninh, là đại diện nhà quản lý duy nhất Hội đồng trường Đại học Bách khoa. Ông Quang từng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí của trường này. Trước khi làm Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM từ tháng 2/2019, ông Quang là Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng tham gia Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP HCM - nơi ông từng làm giảng viên, nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Giáo dục đại học năm 2018 (có hiệu lực từ tháng 7/2019), cơ cấu tổ chức của một trường đại học gồm: Hội đồng trường, Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, hội đồng khoa học và đào tạo và hội đồng khác (nếu có)... Trong đó, Hội đồng trường có quyền quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hàng năm của nhà trường; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, dân chủ ở cơ sở phù hợp với các điều luật quy định chung.
Hội đồng cũng có quyền quyết phương án tuyển sinh, mở ngành đào tạo mới, thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc trường và các chế độ tuyển dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên chức...
Số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người, gồm các thành viên trong và ngoài trường đại học. Nhiều trường đại học đang tiến hành bầu hội đồng trường theo quy định của luật mới.