Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) của ứng dụng nhắn tin Telegram, bị giới chức Pháp bắt sau khi máy bay riêng của ông hạ cánh xuống sân bay Le Bourget ở phía bắc thủ đô Paris tối 24/8.
Truyền thông Pháp cho biết CEO Telegram bị bắt để phục vụ cuộc điều tra về vai trò của ứng dụng này trước tình trạng nội dung khiêu dâm trẻ em bị phát tán, cũng như về việc Telegram từ chối hợp tác với cơ quan chức năng để ngăn chặn tội phạm.
Telegram cho biết công ty này tuân thủ chặt chẽ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số do Liên minh châu Âu (EU) ban hành, trong đó yêu cầu các công ty mạng xã hội lớn phải ngăn chặn hoạt động trao đổi nội dung, hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp. EU hiện chưa xác định Telegram là mạng xã hội "rất lớn", thuật ngữ dành cho các nền tảng có hơn 45 triệu người dùng hàng tháng trong khối và phải chịu giám sát chặt chẽ hơn.
Durov "không có gì phải che giấu và thường xuyên di chuyển khắp châu Âu", Telegram cho biết. "Thật vô lý khi tuyên bố một nền tảng hoặc chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vì việc nền tảng đó bị lạm dụng. Chúng tôi đang chờ một giải pháp nhanh chóng cho sự việc".
Tuy nhiên, giới chức Pháp đến nay chưa công bố bất cứ cáo buộc chính thức nào đối với Durov cũng như lời giải thích cho hành động bắt ông, khiến giới quan sát cho rằng sự việc có thể ẩn chứa động cơ sâu xa hơn.
Telegram là nền tảng mạng xã hội giống Facebook hay Twitter, nhưng tính năng mã hóa đầu cuối (chỉ những người liên lạc với nhau có thể đọc được tin nhắn) và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng của Durov đã khiến ứng dụng này đặc biệt phổ biến tại Nga và Ukraine.
Quân đội, binh sĩ, các nhà hoạt động của cả Nga, Ukraine đều sử dụng nền tảng này để trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu, đăng hình ảnh, video về hoạt động quân sự trên chiến trường mà không phải lo ngại nguy cơ bị lộ lọt dữ liệu, do Telegram đặt trụ sở tại Dubai và gần như không chịu ảnh hưởng của phương Tây.
Bản thân Nga cũng từng tìm cách kiểm soát Telegram, nền tảng được Durov sáng lập năm 2013, nhưng không thành công. Năm 2015, Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Alexander Ageyev đã yêu cầu Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) "hạn chế người dùng Nga truy cập Telegram" vì cho rằng đây là ứng dụng được phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nga Nikolai Nikiforov lúc đó phản đối, cho rằng "chặn Telegram vì nó được IS sử dụng chẳng khác nào cấm dùng xe Toyota ở Nga, vì phiến quân cũng rất hay dùng xe bán tải của hãng này".
Năm 2017, giới chức Nga yêu cầu Telegram đăng ký ở nước này. Alexander Zharov, giám đốc Cục Quản lý Truyền thông Liên bang (Roskomnadzor), viết thư ngỏ gửi Durov, đe dọa sẽ chặn Telegram nếu ông không đáp ứng yêu cầu này.
Đáp lại, Durov chỉ trích Zharov "không hiểu cách thức các nội dung được mã hóa" và cho rằng chỉ có chặn toàn bộ Internet mới ngăn được IS liên lạc qua các ứng dụng nhắn tin. FSB khi đó cũng yêu cầu Telegram cung cấp chìa khóa giải mã các cuộc hội thoại, nhưng Durov, người rời Nga từ năm 2014, từ chối.
Kể từ đó, Telegram liên tục phát triển. Một trong những lý do giúp Telegram, hiện có khoảng 900 triệu người dùng trên toàn cầu, thu hút được quan tâm là nhờ cung cấp một nền tảng liên lạc có tính bảo mật cao, với tin nhắn được mã hóa và không thể bị theo dõi hay chặn thu.
Nó cũng trở thành ứng dụng có vai trò "xương sống" trong hoạt động liên lạc của quân đội Nga trên tiền tuyến ở Ukraine, cũng như trong việc trao đổi thông tin ở hậu phương, do cơ chế mã hóa giúp họ đảm bảo được thông tin mật mà không lo bị đối phương gây nhiễu hay can thiệp như các biện pháp liên lạc vô tuyến truyền thống.
Tình báo Nga cũng được cho là đã sử dụng các kênh Telegram để tuyển mộ đặc vụ ở châu Âu nhằm mục đích "gieo rắc bất ổn" tại đây, theo báo Mỹ Wall Street Journal. Giới chức Pháp cho biết nước này đã trở thành mục tiêu của một số chiến dịch "phá hoại" từ Nga trong những tháng gần đây, nhưng Moskva bác bỏ.
"Điều này khiến Durov trở thành kho báu đối với các cơ quan tình báo phương Tây đang tìm cách giải mã thông tin liên lạc được mã hóa của Telegram", bình luận viên Matthew Dalton và Ann Simmons của Wall Street Journal nhận định.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson hồi tháng 4, ông Durov cho biết các cơ quan an ninh Mỹ như Cục Điều tra Liên bang (FBI) luôn rất chú ý mỗi khi các nhân viên Telegram đặt chân đến nước này. CEO Telegram tiết lộ trong lần gần nhất ông tới Mỹ, đặc vụ của Washington đã bí mật tìm cách chiêu mộ kỹ sư của công ty sau lưng ông.
Doanh nhân này thêm rằng chính phủ Mỹ muốn cài cửa hậu (backdoor) vào nền tảng để có thể theo dõi hoạt động của người dùng trên Telegram. Durov trước giờ vẫn từ chối yêu cầu này của tình báo phương Tây.
Sự hoảng loạn đang bao trùm các kênh Telegram ủng hộ Nga sau khi ông Durov bị bắt. Họ cho rằng động thái là một phần trong cuộc chiến chống Moskva của Mỹ và đồng minh.
"Cảnh sát Pháp đã bắt người đứng đầu nền tảng trao đổi thông tin chính của lực lượng vũ trang Nga. Họ đã tước đi phương tiện liên lạc bình thường duy nhất của chúng tôi", Rybar, blogger thân cận với Điện Kremlin có hơn ba triệu người theo dõi, viết.
Roman Alekhine, blogger quân sự nổi tiếng ở Nga với gần 190.000 người theo dõi và có quan điểm thân Điện Kremlin, bày tỏ lo ngại rằng việc Durov giao chìa khóa giải mã Telegram cho phương Tây "chỉ còn là vấn đề thời gian" và cảnh báo rằng những thông tin mà tình báo nước ngoài thu thập được khi tiếp cận các cuộc hội thoại mã hóa sẽ khiến quân đội Nga trở nên dễ bị tổn thương hơn trên chiến trường.
Rob Lee, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở ở Mỹ, dẫn lời một tài khoản Nga nổi tiếng cho biết tình báo phương Tây có thể sẽ thu được "thông tin nhạy cảm" về quân đội nước này nếu được trao quyền truy cập vào dữ liệu của Telegram.
Đây là lý do nhiều quan chức, blogger quân sự Nga hối thúc binh sĩ, người dùng nước này ngừng sử dụng Telegram, xóa các thông tin nhạy cảm, thậm chí là xóa tài khoản, để ngăn nguy cơ bị lộ thông tin mật.
Theo các nguồn tin của Baza, kênh Telegram sở hữu 1,5 triệu người theo dõi và có liên hệ với lực lượng an ninh của Moskva, các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga, nhân viên một số cơ quan hành pháp, quan chức chính phủ và vài doanh nhân lớn ở nước này đã được yêu cầu xóa tài khoản chính thức trên Telegram. Một số quan chức khác nói với Baza rằng họ chưa nhận được chỉ thị, song nhận định cấp trên sẽ sớm đưa ra yêu cầu.
Margarita Simonyan, tổng biên tập hãng RT của Nga, kêu gọi người dùng Telegram của nước này xóa hết toàn bộ tin nhắn nhạy cảm trên nền tảng. Hiện chưa có thông tin quân nhân Nga bị cấm sử dụng Telegram, song nếu điều này xảy ra, các binh sĩ này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trao đổi thông tin trên chiến trường, theo Le Monde.
Được nhiều người gọi là "Mark Zuckerberg của Nga", ông Durov cuối năm 2013 thành lập Telegram cùng anh trai Nikolai, chỉ vài tháng sau khi bị ép phải rút khỏi VKontakte, nền tảng mạng xã hội tại Nga và cũng do ông sáng lập.
Ông phàn nàn đã bị chính phủ Nga gây áp lực, yêu cầu phải cung cấp dữ liệu mã hóa của người dùng trên nền tảng VKontakte cho giới chức. CEO Telegram rời Nga năm 2014 và sau đó chuyển tới sống tại thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nơi hiện là trụ sở của Telegram.
Telegram cho biết CEO của hãng hiện mang hai quốc tịch UAE và Pháp. Ông nhập tịch Pháp vào năm 2021 thông qua một quy trình đặc biệt, cho phép Paris cấp quyền công dân cho những người nổi tiếng nói được tiếng Pháp song không đáp ứng đủ điều kiện để nhập tịch theo cách thông thường.
Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết ông Durov rời khỏi Nga vì muốn trở thành "người đàn ông toàn cầu, có thể sống tốt mà không cần quê hương" và vụ bắt là lời cảnh tỉnh đối với CEO Telegram.
"Ông ấy đã tính toán sai", ông Medvedev nói. "Với tất cả kẻ thù chung của chúng tôi, ông ấy là người Nga, không có chung dòng máu, do đó là kẻ nguy hiểm và khó đoán".
Phạm Giang (Theo WSJ, TASS, Meduza)