Có một nghịch lý đang xảy ra đó là có nhiều người trẻ tuổi đang ở độ tuổi lao động chỉ mong tới ngày nghỉ hưu cho thoải mái. Tuy nhiên, có nhiều người đã ở tuổi nghỉ hưu những vẫn tiếp tục làm việc hoặc làm việc bán thời gian chỉ vì họ cảm thấy hụt hẫng, chán chường với cuộc sống nhàn rỗi. Nhân một lần ăn trưa cùng một số người bạn, tôi đã được nghe các ý kiến của mọi người chia sẻ về vấn đề này.
Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ phải già đi. Một ngày nào đó cũng sẽ đến lúc cầm quyết định về hưu trên tay, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm, vì đã đến lúc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, qua khỏi những ngày đầu phấn chấn, bạn sẽ không khỏi cảm thấy buồn bã, hụt hẫng vì quá cô đơn. Mỗi người có một suy nghĩ, lựa chọn riêng. Đa phần mọi người cho rằng đã nghỉ hưu thì chỉ nên ở nhà nghỉ ngơi, vui vẻ cùng con cháu.
Số ít còn lại cho rằng nếu sức khỏe vẫn tốt, thay vì để tuổi già kéo bạn đi, bạn hãy già hóa một cách tích cực, đó là tiếp tục đi làm sau khi đã nghỉ hưu. Bởi theo quy định của Bộ luật Lao động, bạn vẫn có thể tiếp tục làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, nếu công ty vẫn có nhu cầu với bạn và điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn.
Tôi có quen một số người có chuyên môn rất giỏi, đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn ký hợp đồng làm chuyên gia với chính cơ quan họ đã công tác hoặc làm việc cho một số đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.
Có vài người đồng nghiệp cũ của tôi khi tôi còn làm ở doanh nghiệp, sau khi các chú nghỉ hưu vẫn tiếp tục ký hợp đồng làm chuyên gia tư vấn lĩnh vực thiết kế mỏ, không chỉ tư vấn cho lớp trẻ cách thiết kế mà còn trực tiếp làm các bản vẽ thiết kế kỹ thuật, thi công, dự toán công trình, làm các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, đi xuống các mỏ than khảo sát và làm việc không khác gì một người đang ở độ tuổi lao động.
Thậm chí, thanh niên còn thua xa về tốc độ làm việc, tư duy giải quyết công việc và cách làm việc khoa học của các chú. Khi đó, tôi may mắn được làm cùng phòng cùng với mấy chú đều là chuyên gia của công ty nên học hỏi ở các chú rất nhiều kinh nghiệm làm việc. Mỗi khi có việc gì không biết mà hỏi các chú đều được các chú chỉ dạy đến nơi đến chốn. Nhờ có các chú đào tạo mà lớp thanh niên ở công ty tôi vững vàng hơn rất nhiều.
Khi tôi chuyển sang cơ quan mới công tác, một năm nay tôi lại may mắn được làm việc cùng với chuyên gia tư vấn lĩnh vực pháp chế. Sau khi nghỉ hưu, chú lại ký hợp đồng làm chuyên gia với mấy trường đại học.
Bản thân tôi đã được làm việc cùng chú hơn một năm, được chú tư vấn cho cách giải quyết rất nhiều cách xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh, đơn khiếu nại, đơn tố cáo. Cho dù nội dung đơn đó có phức tạp đến đâu nhưng sau khi nghe chú phân tích cặn kẽ các mặt của vấn đề, hướng dẫn cách xử lý sao cho thấu tình đạt lý thì tôi lại cảm thấy vấn đề đó rất bình thường, không có gì đáng sợ cả.
Tôi lại thấy vô cùng tự tin để xử lý, giải quyết đơn cùng các đồng nghiệp. Ngoài công tác đơn thư, chú còn tư vấn trực tiếp cho tôi và các đồng nghiệp khác của tôi cách soạn thảo quy chế, quy định. Mỗi lần nghe chú góp ý đối với dự thảo do chúng tôi viết, chúng tôi luôn cảm thấy rất hợp lý và cần phải sửa theo hướng của chú tư vấn. Quá trình soạn thảo văn bản của chúng tôi luôn có sự đồng hành của chú trong các cuộc họp. Có nhiều hôm họp đến 13h chiều hay 18h tối nhưng chú vẫn giữ tinh thần rất minh mẫn, vui vẻ và nhiệt tình.
Cách làm việc của chú luôn là để cho chúng tôi phải tự chủ động làm việc trước, sau đó chú mới tư vấn cho hướng giải quyết tốt nhất để chúng tôi học hỏi, rút kinh nghiệm được nhiều hơn. Chú luôn đồng hành cùng chúng tôi và thường xuyên hỏi chúng tôi làm đến đâu, đã xin ý kiến rộng rãi chưa, đã ban hành chưa. Điều tôi ấn tượng về chú hơn cả là mỗi lần đến cơ quan tôi làm việc, chú luôn biết cách tạo không khí vui vẻ, giảm căng thẳng, áp lực cho chúng tôi.
Chú đã chia sẻ cho tôi nghe lý do vì sao chú vẫn đi làm sau khi nghỉ hưu và khuyến khích những người có sức khỏe tốt nên làm thêm một công việc gì đó phù hợp với năng lực, đam mê và hoàn cảnh gia đình bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất, có thể tận dụng được những kinh nghiệm quý đã tích lũy được, truyền thụ lại cho những người trẻ tuổi, đào tạo họ về chuyên môn, nghiệp vụ. Khi bạn được tiếp tục làm công việc thuộc về chuyên môn yêu thích của mình, bạn sẽ thấy vô cùng vui vẻ thoải mái, bởi đó là lĩnh vực bạn đã thành thạo, giàu kinh nghiệm và rất tự tin. Tuyệt vời hơn là bạn sẽ làm nó với lòng yêu thích và ước muốn tự khẳng định mình, chứ không vì áp lực công việc, thời gian hay thu nhập. Từ đó, bạn thấy mình đang sống có ích, đang sống một cách tích cực. Đây là động lực tinh thần để người về hưu sống vui vẻ, khỏe mạnh hơn.
Thứ hai, giúp bạn có được nhịp sống năng động, khỏe khoắn, lành mạnh, thay vì nhịp sống chậm rãi, có phần trì trệ khi chỉ ở nhà không làm việc. Điều đó giúp cho sức khỏe của bạn tốt lên, tinh thần của bạn cũng thoải mái hơn rất nhiều. Việc làm cũng giúp bạn chống lão hóa trí não, căn bệnh đáng sợ nhất của tuổi già.
Thứ ba, giúp bạn thoát khỏi cảm giác cô đơn. Thay vì bạn ngồi một mình buồn bã do các con đã trưởng thành, đã có cuộc sống riêng, và không có nhiều thời gian quan tâm tới cha mẹ, thì bạn vẫn tiếp tục thiết lập và duy trì được những mối quan hệ xã hội mới.
Thứ tư, bạn đã nêu một tấm gương sống mẫu mực cho con cháu noi theo: đó là cách sống có ích, sống tích cực và sống cống hiến, sống có ý nghĩa mỗi ngày.
Thứ năm, bạn có thêm thu nhập, đời sống được đảm bảo tốt hơn, bạn có điều kiện thực hiện được những ước nguyện của mình như đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, giúp đỡ con cái và những người khác theo tâm nguyện của mình.
Thứ sáu, khi không còn giữ chức vụ, không nằm trong biên chế của cơ quan, bạn sẽ mạnh dạn nói hết mọi điều mà không sợ bị va chạm, mất lòng ai. Bạn sẽ làm việc đúng với lương tâm và trách nhiệm, không bị bất kỳ ai chi phối.
Thứ bảy, ở tuổi hưu người già vẫn có khát vọng giao tiếp, thể hiện qua việc đi làm thêm của họ. Nếu không để ý đến nhu cầu đó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ của họ vì đồng thời với việc xuất hiện sự nặng nề của cơ thể, tâm lý cũng sẽ già nua, sa sút theo.
Thứ tám, người cao tuổi nên chọn những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, sức khỏe. Nên chọn công việc bán thời gian, và tất nhiên, đó phải là công việc nằm trong khả năng, không nên làm quá sức.
Thứ chín, người đã nghỉ hưu muốn có một sức khỏe tốt nên tìm và duy trì công việc theo hướng: công việc phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trước nghỉ hưu; công việc yêu thích và đam mê; công việc phù hợp với sức khỏe mỗi cá nhân; công việc không gây bó buộc về thời gian; công việc không quá liên quan trách nhiệm; công việc không nặng vấn đề tìm kiếm tài chính...
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, bốn trụ cột của già hóa tích cực là: có sức khỏe, tham gia vào các công việc xã hội, có đời sống an sinh vững vàng, và tiếp tục học tập. Đi làm sau khi nghỉ hưu, không những bạn đã già hóa tích cực, mà hãy tin rằng, bạn còn trẻ ra so với khi không đi làm đấy.
Người nghỉ hưu cần được quản lý, theo dõi và chăm sóc sức khỏe, thường xuyên khám và theo dõi định kỳ, xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm các bệnh. Hy vọng bài viết này sẽ là một thông tin để những người nghỉ hưu tham khảo, có những lựa chọn phù hợp nhất với bản thân và sống những tháng ngày cuối cùng thật hạnh phúc và có ý nghĩa.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.