Trước khi sáng lập công ty thiết bị viễn thông Huawei, Nhậm Chính Phi thuộc đơn vị kỹ thuật của quân đội được điều đến đông bắc Trung Quốc với nhiệm vụ là xây dựng nhà máy sợi tổng hợp để mỗi người dân Trung Quốc có quần áo mới.
"Tôi nhập ngũ vào thời Cách mạng Văn hóa. Hỗn loạn ở khắp mọi nơi, cả trong ngành nông và công nghiệp", ông Nhậm, 74 tuổi, tuần này nói với các phóng viên tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến, theo SCMP. "Đất nước khi đó đối mặt với thời kỳ rất khó khăn và những khó khăn đó được phản ánh ngay trong cơm ăn áo mặc của người dân".
"Mỗi người dân Trung Quốc chỉ được chia 1/3 mét vải, chỉ đủ để vá quần áo. Thời trẻ tôi không có bộ quần áo nào mà không có miếng vá".
Ông Nhậm sinh ra trong một gia đình ngành giáo ở Quý Châu, tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Ông ban đầu không được gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc vì cha ông bị coi là người ủng hộ tư bản chủ nghĩa trong thời Cách mạng Văn hóa.
Năm 1978, sau khi ông được chọn tham dự Hội nghị Khoa học Quốc gia nhờ phát minh công cụ quan trọng để thử nghiệm thiết bị tiên tiến tại nhà máy sợi tổng hợp, ông Nhậm được kết nạp đảng. Trung Quốc khi đó muốn thúc đẩy khoa học, công nghệ và đảo ngược những thiệt hại sau một thập niên cô lập giới trí thức.
Ông sau đó trở thành phó giám đốc của một viện nghiên cứu xây dựng nhỏ với cấp bậc tương đương phó trung đoàn trưởng trước khi xuất ngũ năm 1983.
4 năm sau, ông thành lập Huawei. Khi được hỏi kinh nghiệm trong quân đội đã định hình phong cách quản lý của ông như thế nào, Nhậm Chính Phi nói về những điều kiện khắc nghiệt mà ông và đồng đội phải chịu đựng ở Liêu Dương, thành phố nằm dọc theo sông Thái Tử, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống dưới -20 độ C.
"Ban đầu, mọi người ngủ trên cỏ vì không có nhà ở và ngay cả khi chỗ ở được xây dựng sau đó, nó tồi tàn đến nỗi không thể giúp tránh được mưa gió", ông kể.
Khẩu phần dầu ăn hàng tháng cho một người ở đông bắc Trung Quốc là 150 gram. Cải muối chua, củ cải và hạt bo bo là thực đơn liên tục trong 6 tháng.
Tuy nhiên, nhà máy sợi tổng hợp đã giúp Nhậm Chính Phi mở mang hiểu biết về công nghệ tiên tiến nhất thế giới, vì công ty Pháp cung cấp thiết bị có mức độ tự động cao mà không công ty Trung Quốc nào sánh được.
"Chúng tôi đã học được cách chịu đựng khó khăn", ông Nhậm nói. "Chúng tôi đã học được từ công nghệ tiên tiến nhất thế giới trong khi đang sống cứ như người nguyên thủy".
Ngày nay, Huawei được biết đến trong giới kinh doanh Trung Quốc về văn hóa kỷ luật thép. Nhiều nhân viên ngất ở văn phòng vì kiệt sức.
Ông Nhậm nhắc đến việc các nhân viên của Huawei từng mạo hiểm mạng sống để khôi phục lại 680 trạm phủ sóng trong vòng hai tuần tại các khu vực bị ảnh hưởng trong khủng hoảng nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. Nhiều nhân viên Huawei đã mắc bệnh sốt rét trong khi làm việc ở các quốc gia có dịch.
Nhà sáng lập Huawei nói rằng dù ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc, ông sẽ không bao giờ "làm bất cứ điều gì gây hại cho bất kỳ quốc gia nào khác".
Việc ông Nhậm, người nổi tiếng sống ẩn dật, xuất hiện trước truyền thông sau ba năm diễn ra trong bối cảnh Huawei hứng chịu làn sóng tẩy chay trên toàn cầu do lo ngại về vấn đề bảo mật. Giám đốc kinh doanh Huawei chi nhánh Ba Lan Vương Vĩ Tinh đã bị bắt với cáo buộc gián điệp.
Tuy nhiên, Huawei liên tục phủ nhận các cáo buộc và khẳng định thiết bị của họ an toàn. Ông Nhậm nhấn mạnh ông "sẽ không làm điều gì gây hại cho các quốc gia khác".
Ông cũng nói rằng ông không thấy có mối liên hệ giữa quan điểm chính trị cá nhân với hoạt động của Huawei với tư cách là một doanh nghiệp. "Huawei chắc chắn sẽ nói không với bất kỳ yêu cầu nào từ chính phủ Trung Quốc về việc truy cập dữ liệu hoặc tạo cửa sau cho các mạng lưới", Nhậm Chính Phi nhấn mạnh, "chúng tôi thà đóng cửa Huawei hơn là làm bất cứ điều gì có thể tổn hại lợi ích của khách hàng để theo đuổi lợi ích riêng".
Con gái cả của Nhậm Chính Phi là Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei đầu tháng 12 năm ngoái bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Bà đang được tại ngoại ở Vancouver để chờ phiên tòa về việc dẫn độ sang Mỹ.