Sau khi bảo vệ thành công luận án nghiên cứu sinh tại Học tại viện Hàng không và Cơ học ứng dụng Đại học Bách khoa Warsaw, ông Đoàn Quốc Việt không khởi nghiệp bằng nghề mình đã học mà kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn tại Ba Lan.
Trong một lần về nước, đi du lịch ở Hạ Long, ông cùng với vài người bạn loay hoay mãi không tìm được khách sạn như ý. Người bạn đề xuất: “Sao ông không đầu tư xây dựng khách sạn nào đó tại đây”. Ông Việt chợt nghĩ: “Ừ nhỉ, ngẫm cũng phải”. Thế là khách sạn tư nhân 4 sao Hạ Long Plaza ra đời thời gian sau đó.
Chủ tịch Air Mekong. |
Không chỉ có khách sạn, sự nghiệp kinh doanh của ông tại Việt Nam là một chuỗi những tình cờ thú vị, đi kèm với những cơ hội. Từ một phó tiến sĩ được đào tạo về lĩnh vực ứng dụng hàng không, đi kinh doanh khách sạn, đùng một cái, ông chuyển sang nghề nuôi tôm. Các lĩnh vực này vốn chẳng mấy liên quan đến nhau.
Khi được hỏi chuyện, ông Việt nói một cách say sưa về những ngày đầu chật vật với việc nhân giống, chọn lựa tôm bố mẹ, rồi những sản phẩm tôm lần đầu tiên mang đi xuất khẩu.
Ông Việt nhớ lại, trong một lần trao đổi về ngành thủy sản khi tới thăm Hạ Long, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn có bày tỏ tâm tư về việc ngành nuôi tôm của Việt Nam quá bấp bênh. Tại thời điểm đó, Việt Nam chưa công ty nào có thể nuôi tôm bố mẹ sạch bệnh, giúp các mùa tôm có thu hoạch ổn định; phần lớn đều ở tình cảnh bấp bênh, mùa này được nhưng mùa sau lại mất. Nghe vậy, ông chủ của Hạ Long Plaza nói rằng mình có thể làm được, dù kiến thúc về nuôi tôm lúc đó chỉ là con số 0.
Sau cuộc nói chuyện với Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, ông Việt đặt quyết tâm phải làm bằng được. Ông chủ khách sạn đã sang Mỹ mời một chuyên gia hàng đầu về nuôi tôm, đưa về Việt Nam để xây dựng một trại tôm giống sạch bệnh đầu tiên ở trong nước. Sau 14 tháng, lứa tôm giống sạch bệnh đầu tiên đã ra lò. Kể từ thời điểm này, những đầm tôm ở Việt Nam đã bắt đầu bớt đi sự bấp bênh do dịch bệnh cũng như thời tiết nhờ tôm giống được ra đời và chăm sóc với những phương pháp, công nghệ mới.
“Một số người thường nghĩ đến nuôi tôm là vài cái ao và một nền nông nghiệp mà không biết rằng đó là ngành sử dụng nhiều công nghệ mới. Chỉ riêng đầm tôm của chúng tôi đã cần tới 50 chuyên gia nước ngoài ở tất cả các công đoạn để thực hiện việc áp dụng và chuyển giao công nghệ”, ông chia sẻ.
Chưa hết, ông chủ đầm tôm tâm tư: “Nhiều người cứ nghĩ tôi đang sở hữu vài ba cái ao. Họ đâu biết tôi đang có diện tích nuôi tôm lên tới 1.300 ha - lớn nhất trong các doanh nghiệp nuôi tôm xuất khẩu ở Việt Nam”. Mỗi năm, đầm tôm của ông đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng với hàng nghìn tấn sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật và Đông Âu.
Gia đình ông Đoàn Quốc Việt (Vợ, con trai, con gái và con rể) trên đỉnh núi Mount McKinley cao nhất của bang Alaska, Mỹ. |
Ngoài việc đi tiên phong trong nuôi tôm sạch bệnh, ông Việt từng gây ngạc nhiên với tuyên bố sẽ nuôi cá song đẻ được trong khi những đơn vị nuôi loại cá này thời điểm đó chưa thành công. Ông chủ đầm tôm cho biết: “Lúc đó tôi chưa biết nuôi cá song đẻ khó thế nào nhưng nghĩ, nếu nước khác làm được mà mình lại có điều kiện khí hậu thuận lợi thì cũng có thể thành công”. Đúng như ông nói, sau 6 tháng tìm hiểu tại Đài Loan, mời chuyên gia nước ngoài về thực hiện chuyển giao công nghệ, năm 2001, chủ đầm tôm đã thành công trong việc nuôi cá song đẻ.
Câu chuyện kinh doanh hàng không của ông cũng đến ngẫu nhiên như kinh doanh đầm tôm vậy. Công ty Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) mà ông Việt làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc có nhiều dự án từ Bắc tới Nam. Cũng vì thế, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của ông rất cao, trong khi dịch vụ trong ngành này lại hạn chế. Nhận thấy nhu cầu và những mảng thị trường còn trống, Chủ tịch của BIM quyết định đầu tư mở hãng hàng không mới với tên gọi Air Mekong.
Ông cho biết, giữa tôm và hàng không có một điểm chung là cùng liên quan đến quá trình chuyển giao vốn cũng như công nghệ cao. Tuy nhiên, không nhanh như nuôi tôm, quá trình khai trương Air Mekong của ông Việt mất tới 2 năm chuẩn bị.
Tương tự như nuôi tôm, đội ngũ ban đầu của Air Mekong có hầu hết nhân sự chủ chốt là người nước ngoài như phi công (100%), bảo dưỡng kỹ thuật (90%)… Ông chủ của hãng giải thích: “Hàng không là một ngành có tiêu chuẩn tuyệt đối. Vì thế, nếu như mới bay mà các yếu tố về đảm bảo an toàn, đúng lịch trình, thời gian, dịch vụ không được đảm bảo thì sẽ khó tồn tại. Thêm vào đó, đây cũng là một ngành mà Việt Nam còn lạc hậu nên cần có chuyển giao công nghệ từ các hãng nước ngoài nên nhân tố ngoại đóng vai trò quan trọng tại Air Mekong trong thời kỳ đầu”.
Cũng nhờ “yếu tố ngoại”, trong 3 tháng bay đầu tiên, Air Mekong trở thành hãng hàng không tại Việt Nam không chậm giờ, bỏ chuyến trong cả điều kiện thời tiết xấu. Nhiều khách hàng bay hạng ghế thương gia đã quay trở lại và cùng đồng hành với hãng trên các chuyến tiếp theo. “Chi phí ban đầu có thể cao nhưng uy tín của hãng được đảm bảo là nhân tố quan trọng nhất khi chúng tôi mới bước chân vào ngành hàng không”, ông chủ đầm tôm tâm sự.
Thừa nhận Air Mekong khó có khả năng sinh lời cao nhưng ông Việt tiết lộ, hàng không đem lại những cơ hội mới cho các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng của BIM và những nguồn lợi khác mà người bên ngoài khó nhìn thấy. Ông cũng cho biết thêm, Air Mekong không có những khát vọng to lớn gì trong việc cạnh tranh với các đàn anh như Vietnam Airlines hay Jetstar Pacific. “Chúng tôi không có thói quen chứng minh là mình giỏi hơn ai mà chỉ muốn tồn tại để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng”, người đứng đầu Air Mekong tâm sự.
Theo ông Việt, chiến lược của hãng là sử dụng máy bay phản lực hiện đại để tạo ra các thị trường ngách. Trong vòng 5 năm tới, Air Mekong sẽ tập trung vào các tuyến bay tới hải đảo, cao nguyên - những mảng mà các hãng lớn chưa làm, để tạo sự khác biệt. Sau khi khai thác tốt các thị trường ngách, hãng mới tính tới các trục bay nhờ nối các ngách lại với nhau.
Điều hành một nhóm công ty kinh doanh đa ngành (tôm, muối, bất động sản, hàng không…), ông chủ của BIM luôn bận rộn. Cũng vì thế, ông cũng chưa thu xếp được thời gian để đi chơi golf với nhiều người bạn mà đơn giản chỉ chạy bộ mỗi ngày ở nhà để rèn luyện khỏe.
Cứ hai tuần một lần, ông Việt cố gắng bỏ thời gian cùng vợ đi chợ và đích thân vào bếp nấu cơm để không khí gia đình thêm phần ấm áp. “Đó cũng là một thú vui của tôi”, ông tâm sự. Mỗi năm, ông chủ của BIM dành một đến hai kỳ nghỉ để cùng cả gia đình khi khám phá những vùng đất đặc biệt trên thế giới và cũng để học hỏi từ những chuyển đi.
“Sắp tới, BIM có thể sẽ đầu tư thêm vào ngành năng lượng gió và sẽ phát triển ngành này trên chính vùng sản xuất công nghiệp muối Quán Thẻ - Ninh Thuận - nơi mà tiềm năng về gió thuộc loại bậc nhất Việt Nam”, chủ tịch Đoàn Quốc Việt nói.
Hồng Anh - Hoàng Ly