Abdul Halim al-Attar, ông bố 33 tuổi người Syria từng phải bế con gái nhỏ kiếm sống trên hè phố bằng cách bán bút dạo, hiện sở hữu một tiệm bánh, một cửa hàng bánh mì kẹp thịt kebab và một nhà hàng quy mô nhỏ ở Lebanon, AP đưa tin.
Anh al-Attar, người Syria gốc Palestine, từng nổi tiếng trên mạng sau khi một nhà hoạt động xã hội ở thành phố Oslo, Na Uy, chia sẻ bức hình anh một tay cầm nắm bút rao bán trên đường phố Beirut, thủ đô của Lebanon, còn tay kia bế con gái nhỏ ngủ gục trên vai.
"Bức ảnh vô cùng xúc động. Bạn nhìn khuôn mặt và cách người cha cầm những chiếc bút như thể chúng là tất cả mọi thứ anh có trên thế giới này", nhà hoạt động Gissur Simonarson nói với CNN.
Sau đó, Simonarson đã lập ra trang web gây quỹ để giúp đỡ ông bố đơn thân bắt đầu cuộc sống mới. Trong 30 phút đầu tiên, anh hoàn thành mục tiêu quyên góp 5.000 USD. Sau 24 giờ, số tiền tăng lên hơn 80.000 USD. Khi kết thúc chiến dịch, số tiền quyên góp được lên tới 191.000 USD.
Sau khi trừ đi mọi chi phí, số tiền thực nhận của Al-Attar là 168.000 USD. Dù mới chỉ 40% số tiền đó đến tay, anh Al-Attar cảm thấy rất biết ơn.
"Tôi phải dùng số tiền đó để đầu tư nếu không sẽ nhanh chóng tiêu hết", al-Attar mặc áo phông in hàng chữ "Hãy lạc quan" cười tươi. "Khi Chúa muốn ban cho anh thứ gì, anh sẽ nhận được nó thôi".
"Số tiền đó không chỉ giúp thay đổi cuộc đời tôi mà còn thay đổi cuộc sống của các con tôi và nhiều người Syria khác", al-Attar chia sẻ và cho biết thêm anh đang tạo công ăn việc làm cho 16 người Syria tị nạn. Anh còn trích 25.000 USD từ số tiền mọi người giúp đỡ để gửi về cho bạn bè và họ hàng ở quê nhà.
Al-Attar đến từ Yarmouk, ngoại ô thủ đô Damacus, Syria. Anh dắt vợ con sang Ai Cập tị nạn khoảng 4-5 năm trước khi cuộc nội chiến bùng phát ở quê nhà. Sau khi người vợ đòi về Syria, ba bố con anh al-Attar lưu lạc đến Lebanon.
Hiện nay, nhờ sự giúp đỡ của người dùng mạng, anh cùng con trai Abdullelah 9 tuổi và con gái Reem 4 tuổi đã có cuộc sống ổn định ở Beirut.
Theo một báo cáo năm 2014 của Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 1,2 triệu người Syria tị nạn hợp pháp đang sinh sống ở Lebanon, nhưng chỉ 1/3 trong số đó may mắn có việc làm.
"Thấy anh ấy mở được nhà hàng và chăm sóc tốt cho các con, tôi thực sự hạnh phúc," Simonarson nói.
An Hồng