Mặc dù được chữa trị miễn phí theo chính sách người tị nạn, nhưng Mustafa và nhiều người nữa nằm trong số gần ba triệu người tị nạn Syria chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ đang mất dần hy vọng trở về quê hương đang bị chiến tranh tàn phá, theo Reuters.
"Ở thời điểm này, chúng tôi chẳng còn hy vọng trở về Syria. Nga, Iran, cả Mỹ nữa, đang tấn công chúng tôi từ mọi hướng", Mustafa nói, tay phải vẫn treo trên băng đeo.
"Chúng tôi hy vọng thượng đế sẽ thay đổi mọi điều", ông nói.
Mustafa thuộc cộng đồng người tị nạn lớn nhất thế giới, theo cách gọi của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người sống tại những nơi như Reyhanli, một thị trấn biên giới bụi bặm ở tỉnh miền nam Hatay, nơi toàn người tị nạn Syria và quảng cáo trên cửa sổ các cửa hàng in bằng tiếng Arab và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara đã cho lập các tị tị nạn ở biên giới với Syria và Tổ chức Chữ thập Đỏ Trăng lưỡi liềm Thổ Nhĩ Kỳ ước tính đang viện trợ cho khoảng 5 triệu người ở Syria.
Cho dù việc Mỹ tấn công tên lửa vào căn cứ không quân của chính phủ Syria có thể khiến một số người lạc quan rằng Washington có thể gây thêm áp lực lên Tổng thống Assad, nhưng không người dân Syria nào ở Reyhanli cho rằng mình có thể sớm trở về quê hương.
"Họ tấn công chúng tôi từ trên không, giết chết dân thường trong thành phố", Samial Dude, từng làm nghề lái xe tải ở gần Idlib, khu vực do phiến quân kiểm soát, hiện sống ở Hatay, cho biết.
"Chúng tôi không có súng. Chúng tôi thậm chí không rõ phe nào đang đánh bom, chúng tôi chỉ biết là đang bị bom đánh. Đến động vật còn được coi trọng hơn tính mạng người Syria", ông cay đắng nói.
Mỹ tấn công tên lửa vào Syria hôm 7/4 để trả đũa vụ tấn công hóa học khiến 87 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em ở tỉnh Idlib, miền bắc Syria. Cả Washington và Ankara đều đổ lỗi cho chính phủ Syria về vụ tấn công khí độc nhưng Damascus bác bỏ.
Cuộc nội chiến kéo dài 6 năm ở Syria đã giết chết khoảng nửa triệu người, khiến một nửa dân số nước này phải chạy trốn ra nước ngoài trong cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thế giới.
Lao động mùa vụ
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Ankara cung cấp viện trợ cho người tị nạn, nhiều người làm lao động theo mùa tại nông trại để kiếm sống.
"Tôi phải trả tiền thuê trong 6 năm và tiền kiếm được đều đem đi trả hết", Mohammad Hammadi nói, tiết lộ ông dành phần lớn thời gian làm việc cùng một tổ chức nhân đạo giúp người tị nạn, những người thậm chí còn khốn khổ hơn ông.
Người tị nạn Syria thu hoạch rau củ trong nông trại ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ:
Tổng thống Tayyip Erdogan, một trong những người chỉ trích Tổng thống Assad, rất nổi tiếng trong cộng đồng người tị nạn ở Hatay do từng nói ông mở cửa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ là vì họ, trong khi các nhà lãnh đạo ở những quốc gia Arab khác thì không. Ông Erdogan còn kêu gọi phương Tây hành động nhiều hơn để cùng Thổ Nhĩ Kỳ gánh vác trách nhiệm nhân đạo.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/4 về việc thay đổi hiến pháp để trao thêm quyền lực cho tổng thống. Mặc dù người tị nạn Syria không có quyền bỏ phiếu, nhưng họ vẫn hy vọng ông Erdogan sẽ nắm nhiều quyền lực hơn.
"Đương nhiên là chúng tôi muốn Erdogan mạnh hơn để giúp đỡ chúng tôi nhiều hơn. Có lẽ ông ấy sẽ xây nhà cho chúng tôi", Gaceel al Awaad, một tá điền làm thuê kiếm được 8 USD một ngày, mà gần như phải dùng hết số đó trả tiền thuê nhà, hy vọng.
"Chúng tôi cầu thượng đế có thể quay lại quê hương càng sớm càng tốt. Đây là mối quan tâm duy nhất của người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói.
Hồng Hạnh