Anh Hải Đăng, 31 tuổi, sống ở Sài Gòn vừa đưa vợ con du lịch Đài Loan 5 ngày 4 đêm. Đây là điểm đến mà vợ anh rất thích nên anh Đăng nghỉ làm và đưa vợ con cùng bà ngoại đi chơi. Dưới đây là những chia sẻ của "ông bố bỉm sữa" về chuyến đi này.
Ngày 1: Sài Gòn - Đài Bắc
Có nhiều chuyến bay thẳng từ Sài Gòn tới Đài Bắc của các hãng như VietJet, Eva Air, Vietnam Airlines, China Airlines, tôi chọn một hãng giá rẻ trong nước. Vé máy bay khứ hồi cho 3 người lớn và một trẻ nhỏ là 17 triệu đồng.
Chúng tôi chọn giờ bay là 14h30, đến nơi là 19h (Đài Loan nhanh hơn Việt Nam 1 tiếng). Hãng mà tôi chọn chỉ có hai chuyến bay một ngày, vào lúc 2h và 14h. Tôi chọn bay chiều vì có con gái nhỏ (bé Pai, khi đó mới 16 tháng) nên không muốn con mệt. Nếu bay sang đó vào sáng sớm, sẽ chưa đến giờ nhận phòng khách sạn.
Tuy nhiên, hiện tại, tôi nhận thấy bay đêm cũng có mặt tốt vì giờ đó trẻ con sẽ ngủ, người lớn đi cùng đỡ mệt vì không phải thức trông con. Ngoài ra, giá vé bay lúc 2h cũng rẻ hơn.
Đến nơi, cả nhà đi taxi từ sân bay về khách sạn ở khu Ximending. Hai nơi này cách nhau gần 40 km, hết 1.200 Đài tệ (khoảng hơn 900.000 đồng). Lý do hai vợ chồng chọn taxi vì Pai còn nhỏ. Nếu gia đình bạn toàn người lớn hoặc con đã tự lập được, mọi người có thể đi xe bus Freego với giá 140 Đài tệ một chiều (106.000 đồng) hoặc 260 Đài tệ hai chiều (200.000 đồng). Thời gian di chuyển khoảng 50 phút. Khi tôi làm xong thủ tục nhận phòng thì trời cũng đã tối nên cả nhà chỉ tranh thủ dạo quanh khu vực khách sạn, ăn uống rồi lên phòng nghỉ ngơi.
Chúng tôi chọn khách sạn Lane of Life ở khu Ximending vì thích kiểu trang trí nội thất vintage hoài cổ. Khách sạn nằm trên tầng 2 của chung cư cũ nhưng cải tạo sạch sẽ, giá thuê 2 phòng trong 4 ngày 3 đêm là 7.200 Đài tệ (5,4 triệu đồng). Đa số nhà cửa ở Đài Bắc tại những khu vực sầm uất buôn bán đều đã được sửa. Nhà mới chỉ có chung cư hay biệt thự ở những khu xa trung tâm.
Các bạn sau khi xác định thời gian địa điểm muốn ở thì vào một số trang web đặt phòng để so sánh giá rồi đặt. Nếu bạn đi một mình hay nhóm bạn bè thì nên đặt trên Airbnb - dạng phòng cho thuê của tư nhân.
Ngoài ra, lý do chúng tôi ở khu Ximending vì chiều theo yêu cầu của vợ, một tín đồ mua sắm. Đây là khu tập trung nhiều cửa hàng, quần áo, giày dép được bày tràn ngập từ trong nhà ra ngoài vỉa hè. Nếu tới đây, bạn nhớ thưởng thức một tô mỳ nóng hổi bày bán ven đường, giá mỗi tô là 80 Đài tệ (61.000 đồng).
Ngày 2: Cửu Phần - Thập Phần - tòa tháp Taipei 101
Cửu Phần và Thập Phần cùng hướng, nên gia đình tôi chọn đi nơi này trước. Do có trẻ nhỏ nên chúng tôi quyết định thuê xe riêng với giá là 3.000 Đài tệ (2,4 triệu đồng) trong 8 tiếng, với lịch trình tự chọn. Tài xế có thể nói được tiếng Anh. Nếu có em bé đi cùng bạn nên báo trước, họ sẽ chuẩn bị thêm ghế cho trẻ con. Nếu đi quá giờ sẽ phải trả thêm tiền, nửa tiếng là 200 Đài tệ (150.000 đồng), một tiếng là 400 Đài tệ (300.000 đồng).
Nhiều người nói rằng, bạn sẽ rất may mắn nếu đến Cửu Phần vào một ngày mưa vì không có gì tuyệt hơn là lang thang phố cổ trên núi với chiếc dù xinh xắn, chen vào dòng người đông đúc. Chúng tôi đến đây vào lúc có mưa và ngồi uống trà, ăn điểm tâm ở quán A Mei Tea House. Đây là một địa điểm nổi tiếng với khách du lịch vì được xây dựa trên cảm hứng từ bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản Spirited away (Vùng đất linh hồn).
Quán có ưu điểm là vị trí ngắm cảnh đẹp, trà và các món bánh ngon nhưng set ăn bình thường. 4 người nhà chúng tôi ăn hết 1.200 Đài tệ (900.000 đồng). Đây là giá không hề rẻ so với mặt bằng chung ở Đài Loan.
Thập Phần là một khu phố cổ, dọc theo đường ray xe lửa. Tại đây, giống như phần lớn du khách khác, chúng tôi cũng thả đèn Khổng Minh và viết điều ước của mình lên trên. Giá mỗi chiếc đèn là 150 - 200 Đài tệ (115.000 - 150.000 đồng).
Taipei 101 là tòa nhà cao nhất thế giới cho đến khi một công trình ở Dubai phá vỡ kỷ lục. Bạn có thể mua vé tham quan lên ngắm thành phố qua các trang web sẽ được giá rẻ hơn. Tôi đặt mua để đưa cả nhà lên với giá 310 Đài tệ (gần 240.000 đồng). Sau đó, cả nhà xuống hầm uống trà sữa Chun Shui Tang và ăn dimsum Din Tai Fung. Đây là loại trà sữa và dimsum được nhiều thực khách đánh giá là "ngon nhất Đài Loan", nên tôi muốn đưa vợ con và bà ngoại Pai thưởng thức. Giá mỗi cốc trà sữa vào khoảng hơn 120 Đài tệ (hơn 90.000 đồng), còn ăn dimsum vào khoảng 100 Đài tệ (75.000 đồng) 5 miếng. Có loại từ 210 Đài tệ (170.000 đồng) đến 450 Đài tệ (340.000 đồng) 10 miếng.
Ngày 3: Phố cổ Tam Hạp - Thị trấn Wulai
Ngày thứ ba, chúng tôi lại tiếp tục thuê xe để đến phố cổ Tam Hạp. Cả nhà đến sớm, khi nơi này quán xá còn chưa mở cửa hết và khách du lịch thưa thớt, để phục vụ nhu cầu chụp ảnh khoe lên mạng của vợ.
Đến Wulai, cả nhà đi ngắm thác rồi ăn trưa tại một quán nhỏ trong khu phố cổ. Wulai nổi tiếng với lạp xưởng ngon. Ăn xong, cả nhà đi tắm suối nước nóng. Nhà có trẻ nhỏ và không thích tắm lộ thiên nên tôi mua gói tắm nước nóng một tiếng cùng set trà chiều Volando Urai Spring Spa & Resort với giá 1.600 Đài tệ (khoảng hơn 1,2 triệu đồng). Ở đây còn có cả dịch vụ massage nhưng do không có nhu cầu nên tôi không thử. Gói tắm nóng này cũng chỉ dành cho 2 người, nên nhà tôi đi 3 người lớn nên phải trả thêm 600 Đài tệ (450.000 đồng).
Wulai có một chốn "bồng lai tiên cảnh" mà bạn nên đến tham quan, đó là công viên Yuxian. Để lên được công viên này phải đi cáp treo và trên đỉnh núi có một hồ nước tuyệt đẹp. Tuy nhiên, thời gian ít nên gia đình tôi không đi mà trở về khách sạn cho Pai nghỉ ngơi.
Ngày 4: Đài Bắc - Cao Hùng
Từ Đài Bắc tới Cao Hùng, tôi mua voucher đi tàu cao tốc qua một trang web với giá rẻ hơn mua trực tiếp ở ga, 32 Đài tệ (24.000 đồng). Nếu bạn mua voucher thì nên in ra, trước ngày khởi hành mang ra ga đổi vé để giữ chỗ.
Người dân ở đây không nói được tiếng Anh. Do đó, hai vợ chồng lúc nào cũng cầm điện thoại trên tay, mở sẵn các ứng dụng chuyển ngữ để thuận tiện trao đổi, hỏi đường.
Ở Cao Hùng, tôi chọn khách sạn khu Sandou, giá thuê là 700 Đài tệ (gần 600.000 đồng) một đêm. Chúng tôi chọn ở khu này vì ở vị trí trung tâm, gần cảng, gần tòa nhà 85 tầng biểu tượng của thành phố và gần các điểm vui chơi. Đầm Liên Trì, điểm tham quan phải đến của Cao Hùng, cách khách sạn 10 km nhưng di chuyển rất thuận lợi bằng MRT.
Vì cả nhà khá mệt sau thời gian đi chơi ở Đài Bắc, nên khi đến Cao Hùng tôi chỉ đi loanh quanh khu Yancheng, cách khách sạn gần 3 km. Tại đây, chúng tôi mua vé ngồi thuyền dạo trên kênh. Tuy nhiên cảnh vật hai bên không đẹp và cũng không khác gì kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn.
Chúng tôi ăn trưa ở một quán há cảo được nhiều người khen ngợi là ngon nhất Cao Hùng. Quán nhỏ, nằm ở chỗ khuất, ông chủ là một cụ già hiền lành. Quán nhiều muỗi, khi đi ăn nên mặc quần dài. Quán có tên là Yonghe Steamed Dumpling, nằm trên đường Dayong, quận Yancheng. Giá khoảng 6 Đài tệ (20.000 đồng) một đĩa nhỏ.
Ngày 5: Đầm Liên Trì - chợ đêm Lục Hợp
Đầm Liên Trì được mệnh danh là viên ngọc của Đài Loan, là nơi mà bất kỳ du khách nào đến đều muốn ghé thăm. Tôi tham quan Tháp Long Hồ, Xuân Thu các và đền Khổng Minh hết cả buổi sáng.
Buổi chiều, chúng tôi đi Pier-2 Art Centre, đây là công viên giáp cảng, gồm các tòa nhà cũ tận dụng làm cửa hàng quần áo, ẩm thực và trưng bày một số tác phẩm graffiti... Lý do tôi đến đây vì vợ rất thích món bánh dứa ở tiệm nổi tiếng Sunny Hills.
Buổi tối, cả nhà đến chợ đêm Lục Hợp. Điều thú vị nhất là ở đây rất nhiều người nói tiếng Việt. Hầu hết cửa hàng đều có bảng giá tiếng Việt. Đồ ăn đường phố được xếp ngay ngắn, trông rất sạch sẽ. Chúng tôi ăn vài món như đậu hũ thối, mỳ bò, cơm chiên, mực nướng, mai cua nhồi, xôi nhồi thịt, hào chiên trứng... Cả nhà 4 người ăn no nê mà chỉ hết khoảng 300 Đài tệ (230.000 đồng).
Tàu cao tốc ở đây rất phát triển, đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, tôi đi đúng vào ngày mưa nên quyết định để vợ con đi taxi. Cao Hùng nhỏ hơn Đài Bắc, mọi người nên đến đây vào cuối tuần để sống chậm lại, xả hơi và thưởng thức không khí trong lành trước khi quay trở lại Sài Gòn phồn hoa, tấp nập.
Để thuận tiện đi tàu cao tốc, bạn nên tải bản đồ hệ thống tàu MRT của từng thành phố về điện thoại. Khi mua vé, bạn cho người bán biết điểm đến, rồi bạn theo bảng chỉ dẫn để tìm ga lên tàu. Các bạn có thể mua thẻ Easy Card, nạp tiền vào thẻ, mỗi lần đi chỉ việc quẹt qua chốt cửa, hệ thống tự động trừ tiền. Giá thẻ là 100 Đài tệ (75.000 đồng), có thể mua tại các cửa hàng tiện lợi như Seven Eleven và sau khi mua bạn chỉ cần nạp tiền để sử dụng.
Sáng hôm sau, chúng tôi bắt chuyến bay sớm về Sài Gòn, kết thúc kỳ nghỉ thú vị của cả nhà.
Chi phí chuyến đi 5 ngày 4 đêm tại Đài Loan của gia đình anh Đăng:
Vé máy bay | 17 triệu đồng |
Khách sạn | 8 triệu đồng |
Phí dịch vụ làm visa | 15 triệu đồng |
Di chuyển tại Đài Loan | 8 triệu đồng |
Ăn uống, mua sắm | 12 triệu đồng |
Những điều cần chuẩn bị trước chuyến đi Đài Loan
Hải Đăng