Anh Đăng, 31 tuổi, ở Hà Nội có trên 5 năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho người mất gốc, là chủ sở hữu của kênh AlexD music insight với 470.000 lượt đăng ký. Anh đang dạy song ngữ cho hai con Annie (tên ở nhà) bốn tuổi và Brian một tuổi. Hiện Annie có thể giao tiếp tiếng Anh tự nhiên như tiếng mẹ đẻ, Brian đang tập nói bằng cả hai thứ tiếng.
Ông bố trẻ chia sẻ, ban đầu anh chưa thực sự tự tin để dạy con nên thi thoảng mới bật nhạc tiếng Anh và hát cho con nghe. Từ khoảng 6-7 tháng trở đi, thấy Annie thích thú với âm nhạc và việc nói chuyện nên anh hay đàn và hát cho con nghe, chủ yếu là hát tiếng Anh, đôi khi hát tiếng Việt.
"Khi được 11-12 tháng, Annie bắt đầu bật ra các từ tiếng Anh đầu tiên, đến lúc này mình mới hình thành mong muốn dạy song ngữ cho con", anh Đăng kể. Ông bố trẻ dành nhiều thời gian tìm hiểu các phương pháp dạy song ngữ trên Internet và từ đồng nghiệp. Trong đó có ông Pedro Antonio Pastrano, 70 tuổi, chuyên gia về giáo dục người Mỹ với hơn 30 năm kinh nghiệm.
Khi anh Đăng hỏi về việc có nên dạy con sớm 2 ngôn ngữ không, ông Pedro đã phì cười nói "càng sớm càng tốt". Bản thân ông khi 7 tuổi đã thành thạo 3 ngôn ngữ, do bố người Tây Ban Nha, mẹ người Italy, sống tại Mỹ. Ở nhà cứ gặp bố là ông nói một thứ tiếng, gặp mẹ nói một thứ tiếng, ra khỏi cửa nói tiếng khác.
Ông Pedro giải thích việc loạn ngôn ngữ do trẻ không tạo ra âm thanh, một phần do tật, đa phần do cha mẹ không nói chuyện với con, để con xem tivi mà không kiểm soát, dẫn đến trẻ không lọc được câu từ sử dụng trong giao tiếp. Ở các quốc gia đa sắc tộc như Mỹ, rất nhiều trẻ lớn lên với dạng song ngữ thụ động (passive bilingual), nghĩa là có một ngôn ngữ sử dụng chính, ngôn ngữ kia chỉ nghe hiểu nhưng không nói được hoặc nói không chuẩn do thiếu tương tác.
Đối với việc hình thành thành ngôn ngữ cho trẻ, anh Đăng nhấn mạnh vai trò của âm nhạc. Mới đầu nghe não chưa thể hiểu ngay được ngôn ngữ mới, anh thường bật nhạc hoặc chơi đàn (những bài hát bằng tiếng Anh) cho con nghe. Khi con đã có ý thức và muốn tập nói thì anh chú trọng hơn vào các bài hát, thơ vần, câu chuyện với độ khó tăng dần.
Ông bố trẻ cũng đề cập đến tầm quan trọng của các chương trình TV, nhưng cần chú ý đến tính giáo dục và phù hợp với lứa tuổi. Anh thường cho con xem các kênh trên Youtube như BabyBus, Cocomelon... khoảng 30-60 phút mỗi ngày và xem cùng con, từ đó tự rút ra từ vựng và tình huống để cùng trẻ tập nói.
Ban đầu khi con chưa hiểu thì anh lặp lại nhiều lần, về sau tốt hơn thì nói sáng tạo, dùng các câu đơn. Theo anh Đăng, dễ nhất chỉ cần dùng các câu đơn giới thiệu về danh từ đồ vật, đồ chơi trong nhà là đã quá nhiều. Nếu cha mẹ không tắm cùng một nguồn ngôn ngữ, không xem cùng một loại chương trình, tài liệu học với con thì không thể đồng điệu và giao tiếp với con được.
Ngoài ra, anh Đăng cũng tạo môi trường học tập cho hai con ở nhà. Phòng làm việc của anh dán toàn các con vật bằng tiếng Anh để tiện cho việc con học nói, cũng như tạo thói quen cho con khi vào phòng là nói tiếng Anh (mẹo này dùng được cho cả các bạn lớn). Sách khi mới học phải là các từ đơn và câu đơn, anh tìm chủ yếu trên mạng hoặc hiệu sách, tuy nhiên phải lựa kỹ, nhiều sách in hoặc dịch sai. Hiện giờ anh chỉ dùng sách 100% tiếng Anh.
Từ quá trình dạy song ngữ cho con, anh Đăng rút ra một số quy tắc. Đầu tiên là "one parent - one language", nghĩa là cha mẹ mỗi người một thứ tiếng và phải nhất quán. Bố nói tiếng Anh thì mẹ nói tiếng Việt, không được dịch từ Anh sang Việt hoặc ngược lại. Việc này sẽ làm chậm tư duy ngôn ngữ của não.
Quy tắc thứ hai là "input", nghĩa là phải gia tăng lượng ngôn ngữ vào đầu bạn nhỏ, có thể là phim, truyện, nhạc..., phải có âm thanh, thêm hình ảnh, hoặc tốt nhất là người tương tác. Thời gian nghe đủ dài, tất yếu trẻ sẽ nói được (cái này ứng dụng cho cả người học ngôn ngữ nói chung, không riêng trẻ em).
Quy tắc thứ ba là tương tác, cổ vũ, khích lệ. Ví dụ khi con gọi mẹ, cả nhà vỗ tay hoan hô. Trẻ sẽ không bao giờ chán học nói hoặc ngại tương tác. Ngôn ngữ nào, độ tuổi nào cũng cần sự tương tác, khích lệ khi người nói thành công với những câu từ nhỏ và tích lũy nhỏ nhiều sẽ thành lớn. Cha mẹ không bao giờ được ép, chê bai khi trẻ nói sai hoặc dùng từ chưa đúng, chỉ cần làm mẫu lại là được.
"Việc nói và sử dụng ngôn ngữ thứ hai không phải là việc hiếm. Nếu mình biết cách, mong muốn và có điều kiện để dạy con thì đừng lãng phí cơ hội cho con phát triển. Thêm một thứ tiếng là thêm lợi thế cạnh tranh", ông bố trẻ chia sẻ.
Nhật Tân