Con gái anh Trung, bé Nguyễn Thảo My, giao tiếp với bố hoàn toàn bằng tiếng Anh từ khi 2 tuổi. Đến nay, cô bé 6 tuổi, tự nhiên nói chuyện với người nước ngoài bằng ngôn ngữ này.
Đáp lại câu "I love you to the moon" (bố yêu con rất nhiều) của bố, bé sáng tạo ra câu mới, thay từ "moon" bằng những từ vựng khác: "I love you to the socks, I love you to the face, I love you to the fan".
Cũng như bao bố mẹ khác, anh Trung muốn con hạnh phúc, biết tiếng Anh để tự tin bước ra thế giới. Anh tìm đến các trung tâm tiếng Anh gửi gắm My nhưng đều bị từ chối, với lý do con quá bé, không nên học ngoại ngữ.
Học Kinh tế ở Đức và Australia, từng đi qua 50 quốc gia, làm việc cho chính phủ Đức và Liên Hợp Quốc, anh Trung chứng kiến các bé người Việt sinh ra ở nước ngoài nói tiếng Anh, tiếng Đức hay tiếng Pháp tự nhiên, có thể nói 2-3 ngôn ngữ thành thạo.
Về Việt Nam, anh nhận thấy phụ huynh thường dạy con tiếng Anh qua tiếng Việt, bắt con làm bài tập như Toán, Lý, Hóa; bắt luyện ngữ pháp. Trong khi tiếng Anh như bao thứ tiếng khác, chức năng quan trọng nhất là giao tiếp, nhưng điều này lại bị tách khỏi việc học. Học sinh chỉ học phân tích tiếng Anh mà không sử dụng.
Đọc nhiều tài liệu, anh Trung nhận thấy mỗi ngôn ngữ có một tần số về âm thanh và trẻ dưới 6 tuổi thường rất nhạy về âm thanh. Ở giai đoạn này, trẻ nghe, hiểu âm thanh, bắt chước được và dễ dàng điều chỉnh. 0-6 tuổi được xem là giai đoạn vàng để trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ. Sau đó, khả năng ngôn ngữ của trẻ giảm dần, việc học sẽ không thuận lợi bằng.
Anh Trung bắt đầu trò chuyện tiếng Anh với con gái lúc 1,5 tuổi nhưng thời gian đầu gặp khó vì bé chưa sõi tiếng Việt, chỉ nói 1-2 từ. Anh áp lực khi không biết cho con học gì và dạy như thế nào. Ba tháng đầu không thấy con phản ứng khi bố tương tác, anh Trung hoang mang, không biết có làm đúng cách không.
Mặc những ánh mắt khó hiểu của người xung quanh, anh Trung kiên trì "độc thoại" với con gái bất cứ khi nào ở gần. Sau khoảng 3-4 tháng, My bắt đầu nói và phản xạ lại bằng những từ tiếng Anh đơn, sau đó là từ ghép, cụm từ rồi cả câu và đoạn hội thoại. Sau một năm, My nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Câu chuyện của con xuất hiện trong phóng sự truyền hình năm 2018.
Theo anh Trung, việc học ngôn ngữ khác cũng giống với cơ chế học tiếng mẹ đẻ, trẻ nghe, bắt chước rồi nói lại. Trẻ cũng cần thời gian để thẩm thấu, trước khi phản xạ lại. Cách phát triển ngôn ngữ tự nhiên nhất là dựa trên sự giao tiếp, không phải học ngữ pháp.
"Giống như khi tiếp xúc tiếng Việt, con không biết từ nào nhưng vẫn hiểu. Tiếng Anh cũng vậy, bố mẹ hãy cứ trò chuyện tự nhiên với con từ bé, con sẽ nghe, làm quen và phản xạ lại. Mẹ dạy tiếng Việt cho con như thế nào, hãy dạy tiếng Anh như vậy", anh Trung giải thích.
Anh Trung rất yêu sách, có cả một gia tài sách từ những năm sống ở nước ngoài và sau mỗi chuyến công tác. Ngoài nói chuyện, anh thường cùng Thảo My đọc sách tiếng Anh, nghe các bài hát và chương trình nước ngoài.
Anh cho con tiếp xúc với sách từ bé để phát triển ngôn ngữ, sáng tạo và trí tưởng tượng. Lúc đầu My chưa quen, nhưng dần dần những câu chuyện qua các trang sách đẹp lôi cuốn, con có thể thuộc lòng những cuốn yêu thích.
Biết trẻ thích lặp đi lặp lại, anh Trung thường nói câu tiếng Anh quen thuộc, đọc chuyện con thích. My hay giục bố đọc cuốn Are you my mother, Little Land hay Hungry Caterpillar. Có ngày, anh Trung đọc nhiều đến nỗi mở đến trang nào, bé có thể đọc được tiếp trang sau. Thấy bố bỏ qua vài trang, bé liền nhắc và đọc hộ bố.
Khi con đã có thể nói được câu hoàn chỉnh và giao tiếp thoải mái với bố, vợ chồng anh bắt đầu cho bé trải nghiệm thực tế, vừa học vừa chơi. Ban đầu là những trải nghiệm ở các nông trại quanh Hà Nội, dần dần là chuyến đi xa bằng máy bay.
"Nếu chỉ học ở nhà, con không được tiếp xúc tình huống phong phú, không được sờ, nắm, chạm hay cảm nhận. Đọc sách nhiều về con vật nhưng khi được tận mắt thấy chúng ở ngoài, bé thích thú và tự tin sử dụng tiếng Anh hơn", anh Trung kể.
Hơn 2 tuổi, My cùng bố mẹ đi Thái Lan, sau đó xuyên Việt 60 ngày. Cô bé được đến vườn quốc gia Yok Đôn, Buôn Mê Thuột, nhớ mãi cảm giác được leo lên lưng và sờ đầu voi. Tới Phú Yên, My leo lên cực Đông và xuống Cà Mau vào rừng ngập mặn...
Được trải nghiệm thực tế và sử dụng tiếng Anh hoàn toàn với bố, My tự tin khi bắt đầu hành trình vòng quanh Đông Nam Á năm 3 tuổi. Ra sân bay, cô bé tự check-in và trò chuyện với hải quan. Đi tới Philippines hay Myanmar, My cũng chủ động bắt chuyện với người bản địa.
Anh Trung giao cho con một chiếc máy ảnh và hướng dẫn sử dụng. Thăm đền Angkor Wat ở Campuchia, My chơi và chụp ảnh đàn khỉ; còn đặt chân đến Jakarta, Indonesia, cô bé tự bấm máy khi lên ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động,
Trở về từ chuyến Đông Nam Á, anh Trung tiếp tục đưa con trải nghiệm một tháng trong rừng Cát Bà. Ban ngày bé cùng bố mẹ bắt hàu, ốc ngoài biển, đi bộ theo đường mòn vào rừng, ban đêm ngủ lều, ngắm trăng, sao qua kính thiên văn. Con có ống nhòm, bản đồ, la bàn và gậy chống để tự khám phá thế giới xung quanh.
Anh Trung nhận xét My nghịch, hoạt bát và nhiều năng lượng. Sau những chuyến trải nghiệm, con tăng vốn từ vựng tiếng Anh, có thêm nhiều kiến thức và học được các kỹ năng sinh tồn. Bé yêu thích những chuyến đi và yêu thiên nhiên.
"Trước đây, tôi bị chạy theo cảm xúc, nhưng từ khi áp dụng phương pháp dạy tiếng Anh một cách tự nhiên, tôi tận hưởng thời gian ở bên con, tách mình ra khỏi kỳ vọng với con. Bé vui vẻ tiếp nhận mà không có áp lực", anh Trung chia sẻ.
Sau khi dạy con thành công, anh Trung mở trung tâm tiếng Anh, với mong muốn giúp trẻ yêu thích và nói tiếng Anh tự nhiên như tiếng mẹ đẻ. Tại đây, trẻ học 100% bằng tiếng Anh, không dùng qua một thứ tiếng nào khác.
Ngoài ra, anh còn mở thư viện sách tiếng Anh, giúp trẻ em và người yêu sách có nơi để tiếp cận tri thức miễn phí. My thường được bố đưa tới trung tâm để được sống trong môi trường tiếng Anh và cùng bố đọc sách. Hiện cô bé cũng học tiếng Trung và có thể giao tiếp được với giáo viên sau vài tháng tiếp xúc.
Anh Trung khuyên phụ huynh nên cho con tiếp xúc tiếng Anh càng sớm càng tốt. Nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ biết tiếng Anh, phụ huynh nên chia ra một người chuyên nói tiếng Anh với con, còn người kia giao tiếp tiếng Việt. Khi dạy con ngôn ngữ nào, bố mẹ chỉ được dùng một ngôn ngữ đó.
Phụ huynh cũng không nên phân biệt tiếng Anh là ngoại ngữ mà hãy tiếp cận ngôn ngữ này tự nhiên. Nếu không biết tiếng Anh, bố mẹ có thể cho con nghe các chương trình thiếu thi trên YouTube.
Bình Minh