Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ rời Washington ngày 17/5 để tới Hiroshima, Nhật Bản, tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 dài ba ngày. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng ngày 16/5 thông báo sẽ bỏ qua hai điểm dừng chân dự kiến sau hội nghị gồm Papua New Guinea và Australia.
Tổng thống Mỹ đã điện đàm với Thủ tướng Australia Anthony Albanese để giải thích về quyết định. "Vỡ nợ không phải là lựa chọn", ông Biden nói. Thủ tướng Albanese cho biết ông Biden đã xin lỗi vì không thể thăm Australia. Hai nước sẽ thảo luận để sắp xếp chuyến thăm trong thời gian sớm nhất.
Đội ngũ của ông Biden cũng đã thông báo quyết định hoãn chuyến thăm với các lãnh đạo Papua New Guinea. Đại sứ quán Papua New Guinea chưa bình luận về thông tin.
Sau khi kết thúc các cuộc đàm phán ngày 16/5 về trần nợ mà không đạt đột phá, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết "còn rất nhiều việc phải làm" để phá thế bế tắc giữa quốc hội và Nhà Trắng.
Nhà Trắng cho biết ông Biden lạc quan "có con đường dẫn tới một thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng, có trách nhiệm, nếu hai bên thiện chí đàm phán". Trong khi đó, ông McCarthy cũng bày tỏ hy vọng về một thỏa thuận, ngay cả khi hiện tại "chưa có gì được giải quyết".
"Mỹ là nền kinh tế số một thế giới. Và khi chúng ta hoàn tất cuộc đàm phán này, nền kinh tế Mỹ sẽ mạnh hơn", ông nói.
Nâng trần nợ, hay giới hạn vay nợ của chính phủ để thanh toán chi phí phát sinh, thường xuyên diễn ra. Phe Cộng hòa, đã giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, tuyên bố chỉ chấp thuận nâng trần nợ nếu đi kèm các điều khoản cắt giảm chi tiêu lớn của chính phủ.
Bộ Tài chính Mỹ trước đó cảnh báo quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6 nếu Dân chủ và Cộng hòa không thể đạt thỏa thuận về trần nợ.
Thanh Tâm (Theo Reuters, AFP)